Trong thời kỳ làm Cung Trung Giáo tập, bà Thanh Quan do tài làm thơ và đức độ dạy học, rất được hoàng đế Minh Mạng tin dùng, quí mến. Vì thế, bà thường được nhà vua đàm luận thơ văn.
Hoàng đế Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên Nguyễn Phúc Kiểu là con trai thứ của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang, ông sinh năm 1791, trị vì từ năm 1820 đến năm 1840. Vua Minh Mạng qua đời ngày 28 tháng 12 năm Canh Tý, tức ngày 20 tháng 1 năm 1841.
Chân dung vua Minh Mạng (Nguồn Internet).
Một hôm nhân dịp chúc mừng một vị quan lớn của triều đình, vua Minh Mạng ban ơn bằng cách viết tặng hai chữ đại tự theo nghệ thuật thư họa. Viết xong, nhà vua đưa cho bà Huyện Thanh Quan và hỏi:
- Được không?
Ngắm nét chữ “rồng bay phượng múa” của nhà vua, bà Huyện Thanh Quan trả lời:
- Tâu bệ hạ, phúc tối hậu, thọ tối trường. (nghĩa là phúc rất dày, thọ rất dài).
Ban đầu, vua hơi ngơ ngác vì không hiểu, bởi xét về nội dung, nghĩa tường minh thì đó là một lời khen: phước đến tận mai sau; tuổi tác kéo …dài mãi! Nhưng sau nhìn kỹ lại, vua nhận ra rồi mỉm cười gật đầu. Chẳng là nhà vua đã viết chữ Phúc béo phục phịch và chữ Thọ dài lêu nghêu. Bà huyện Thanh Quan tuy ngầm ý chê chữ viết của Minh Mạng nhưng lời chê thật khéo léo và văn vẻ, lại mang nghĩa nước đôi, hiểu cách nào cũng không sai.
Lại nói cùng hôm đó, Hoàng đế Minh Mạng có bộ chén kiểu của Trung Quốc, chén vẽ sơn thủy Việt Nam và có đề thơ nôm cũng như một số đồ sứ thời đó, nên vua đưa khoe với những người chung quanh.
Bìa sách về Bà Huyện Thanh Quan (ảnh mang tính minh họa cho bài viết, Nguồn: Internet).
Mọi người đã yêu cầu Bà Huyện Thanh Quan đề thơ chữ Nôm. Bà làm ngay hai câu rằng:
Như in thảo mộc trời Nam lại/ Đem cả sơn hà đất Bắc sang.
Lời thơ đề đã khiến vua Minh Mạng rất thích thú! Quả là ngòi bút tài hoa của nữ sĩ đã chinh phục được cả những người khó tính nhất!
(Tài liệu tham khảo: Kiều Thu Hoạch - Hoàng Ngọc Phách, Giai thoại văn học Việt Nam, Nxb Văn học, 2001).
XEM THÊM:
>> Vua Minh Mạng và tầm nhìn chiến lược về chủ quyền biển đảo
>> Vì sao ngôi mộ thái giám bị vua Minh Mạng san bằng?