Chi phí truyền tải quá thấp…
Ông Đặng Phan Tường – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN NPT (Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia) cho biết, hiện nay giá truyền tải điện của Việt Nam là 86,4 đồng/kWh, chiếm khoảng 5,7% giá bán điện bình quân. So sánh với một số nước trên thế giới (chiếm khoảng 10 - 12% giá bán điện bình quân) thì giá truyền tải điện của Việt Nam thấp hơn rất nhiều. "Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng cũng như chi phí quản lý vận hành của EVN NPT” - ông Tường nói.
Ông Hoàng Văn Tùy – Phó ban Tài chính Kế toán EVN cũng cho biết, các thông tư hướng dẫn hiện có đều tính giá truyền tải được xác định theo công suất và điện năng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, giá truyền tải điện chỉ được tính theo điện năng. Điều kiện hạn chế việc tính giá truyền tải theo công suất không thực hiện được là do việc tính toán dự báo công suất điện nhận tại các điểm nút không thống kê và dự báo được. Từ đó dẫn đến không thành công trong việc xác định giá truyền tải theo công suất và điện năng. Ông Hoàng Quốc Vượng thừa nhận: Giá điện nói chung và giá truyền tải điện nói riêng là vấn đề lớn, nhạy cảm và khó khăn đối với EVN và EVN NPT. Thời gian qua, EVN đã cử nhiều đoàn công tác sang các nước nghiên cứu, tìm hiểu về cách tính giá điện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, giá điện và giá truyền tải điện liên quan chặt chẽ đến khả năng chi trả của khách hàng.
Vì vậy, để đảm bảo giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước cũng như phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng, trong thời gian tới, giá truyền tải điện cần phải được cập nhật phù hợp với chi phí, cũng như đảm bảo cho lĩnh vực truyền tải điện được hoạt động một cách bền vững.
Cần điều chỉnh giá truyền tải điện hợp lý
Theo EVN NPT, vốn là điều kiện tiên quyết có vai trò quyết định đến việc đảm bảo tiến độ dự án lưới điện. Năm 2013, EVN NPT không hoàn thành kế hoạch đóng điện, khởi công một số dự án truyền tải điện có nguyên nhân rất lớn do thiếu vốn. Trong đó có nguyên nhân giá truyền tải điện quá thấp. Theo quy định, giá truyền tải điện dựa trên nguyên tắc đảm bảo thu hồi đủ chi phí hợp lệ và có lợi nhuận cho phép để vận hành lưới điện đạt chất lượng, đồng thời đáp ứng các chỉ tiêu tài chính cho đầu tư, phát triển lưới truyền tải điện.
Hiện nay, vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải hàng năm rất lớn, nhưng giá truyền tải điện lại đang ở mức thấp, khiến tình hình thu xếp vốn của EVN NPT càng khó khăn hơn. Tổng công ty này khẳng định, trong nhiều năm qua EVN NPT hầu như không có lợi nhuận hoặc nếu có thì lợi nhuận cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,5% tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ. Vì vậy, nguồn vốn khấu hao tài sản cố định hiện chỉ đủ trả nợ gốc và lãi vay.
Để có lợi nhuận cũng như tích lũy được nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu đầu tư các dự án và đẩy nhanh tiến độ thi công, theo EVN NPT, giải pháp bền vững nhất là cho phép tăng giá truyền tải điện. EVN NPT hy vọng, tới đây, khi cơ cấu giá điện thay đổi, giá truyền tải đạt trên 100 đồng/kWh (chiếm 8 -10% trong cơ cấu giá điện) thì bài toán vốn cho truyền tải điện mới có thể có lời đáp rõ ràng hơn.