Một trong những người tiên phong làm mô hình này là anh Phan Bá Lương (xã Vĩnh Thanh, huyện Phú Vang).
Cuộc sống của anh Lương gắn bó với nghề chài lưới bằng tàu đánh cá nhỏ ở vùng biển Thừa Thiên- Huế nhiều nắng, gió, mưa bão. Những năm gần đây, con nước không thuận, nghề đánh bắt cá không giúp anh đủ nuôi sống gia đình. Được sự động viên của cán bộ khuyến nông huyện Phú Vang, anh Lương mạnh dạn vay vốn từ nguồn Dự án Tài chính nông thôn của Ngân hàng Thế giới (do BIDV là ngân hàng đầu mối giải ngân qua Agribank) đầu tư xây bể nuôi ba ba trên cát. Đó là mô hình hoàn toàn mới mẻ không chỉ với người ND mà còn chưa từng được thực hiện ở vùng miền Trung cát trắng.
Anh Lương nghiên cứu và thực hiện xây bể ba ba trên cát bằng gạch xỉ, dùng bèo tây làm mát nước, thường xuyên thay nước tạo độ mát cần thiết cho ba ba sinh sống và trưởng thành. Song, những lứa ba ba đầu tiên, anh thất bại, ba ba chết nổi trắng bể vì kỹ thuật thay nước không đảm bảo.
Vậy là bao mồ hôi, công sức và tiền bạc của gia đình tan biến hết. Được cán bộ Hội ND xã Vĩnh Thanh, cán bộ Phòng Khuyến nông huyện Phú Vang giải thích, anh mới biết, môi trường nước đặc biệt quan trọng. Nguồn nước không sạch, ba ba rất dễ bị nhiễm bệnh. Ba ba là giống sợ tiếng động nên có tiếng động lớn chúng cũng sẽ bỏ ăn.
Do đó công đoạn thay nước rửa bể, anh cũng phải tiến hành thật nhẹ nhàng. Anh Lương cũng biết, thời vụ nuôi ba ba khu vực miền Trung bắt đầu từ cuối tháng 3 tới đầu tháng 12. Đặc biệt là từ tháng 5 tới tháng 10 khi thời tiết ấm áp, ba ba sinh trưởng rất nhanh...
Và thành công cũng đến với gia đình anh. Lứa ba ba thành phẩm đầu tiên, anh giao cho các nhà hàng trong khu vực, giá 250.000 đồng/kg. Trừ chi phí, vụ thu hoạch đầu tiên, anh lãi 80 triệu đồng. Từ đó trở đi, ba ba của anh phát triển tốt và cho thu nhập ổn định.
Thành công trong nuôi ba ba trên cát đã làm gia đình anh có nhiều đổi thay. Anh Lương tâm sự: "Các tiện nghi sinh hoạt hiện đại trong nhà đều có, 3 con tôi được ăn học đầy đủ là nhờ ao ba ba".
Tài Dũng