Ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao…
Đến nay, Chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao đã có 27 doanh nghiệp được phê duyệt tham gia thực hiện 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố với số tiền các ngân hàng thương mại đã ký kết lên tới hơn 4.600 tỷ đồng. Riêng khu vực ĐBSCL, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 2.500 tỷ đồng vốn ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), từ nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng cho ĐBSCL đã được ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai. Bởi đây là khu vực quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của quốc gia, là nơi cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn nhất của cả nước.
Theo Vụ Tín dụng, số dư huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đến ngày 30.9.2014 đạt 274.464 tỷ đồng, tăng 5,87% so với thời điểm cuối năm 2013, chiếm 6,5% tổng huy động vốn toàn quốc. Nếu như mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 14,12%, 8,85% và 12,51% thì tăng trưởng tín dụng tại vùng ĐBSCL cũng tăng tương ứng và có thời điểm cao hơn, lần lượt là 14,6%, 10,7% và 12,4%.
Đến ngày 30.9.2014, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL đạt 332.576 tỷ đồng, tăng 7,64% so với thời điểm 31.12.2013 và chiếm 8,98% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.
Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại tại ĐBSCL có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh khai thác, đánh bắt xa bờ. Riêng với chương trình cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã cam kết cho 9 doanh nghiệp thực hiện 9 dự án tại 6 tỉnh ĐBSCL vay với số tiền lên tới 2.565 tỷ đồng.
Vẫn còn không ít rào cản
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ở các địa phương khu vực ĐBSCL còn nhiều rào cản khách quan như: Quy hoạch chưa đồng bộ; chuỗi liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo; hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu chưa được đầu tư thỏa đáng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu-Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là vựa lúa lớn nhất cả nước, vùng trọng điểm thủy sản, trái cây, nông sản của cả nước nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ĐBSCL không cao, đang có xu hướng chững lại, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng trên dưới 8%, giảm so với cùng kỳ năm 2013. Cơ cấu chuyển dịch chậm, nông-lâm-ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm tới hơn 35,3%.
Giải pháp cho vấn đề này, ông Hiếu cho rằng các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp với các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện tốt các mô hình liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản; ổn định và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; có chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi tín dụng đối với tổ chức liên kết sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh đến các chính sách để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của vùng ĐBSCL như cơ chế thông thoáng để phát triển, mở rộng sản xuất, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình; nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở vùng nông thôn; có chính sách hỗ trợ dân vay vốn đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến thủy sản.