Ngày 15.11.1977, Yokota bị bắt cóc và chính phủ Bình Nhưỡng cũng đã chính thức thừa nhận điều này. Nhưng Yokota còn sống hay đã chết mãi mãi là một bí ẩn.
Một buổi chiều cách đây 37 năm, cô bé Yokota trên đường từ trường về nhà sau giờ học cầu lông đã lạc lối sang một con đường khác và không bao giờ nhìn thấy cha mẹ nữa. Báo chí Nhật cho biết trên đường về nhà, cô bé Yokota khi đó mới 13 tuổi đã bị các điệp viên của Triều Tiên dụ xuống thuyền ngoài biển và họ đưa Yokota rời Nhật, vượt biển về Triều Tiên. Đó là chuyến đi dài trên một con tàu cũ kỹ và phải mất đến 40 giờ lênh đênh trên biển thì Yokota mới tới Triều Tiên.
Chuyến đi học định mệnh
Về phần cha mẹ của Yokota, họ ngày hôm đó cảm thấy vô cùng bồn chồn khi con gái về muộn vì Yokota không có thói quen về nhà muộn. Bà Sakie, mẹ của Yokota chạy đến trường để hỏi thăm và sửng sốt khi biết giờ học cầu lông đã tan từ lâu và Yokota đã đi về. Bà Sakie gần như phát điên khi chạy bổ đến từng nhà hỏi thăm tung tích con gái nhưng đều nhận được những cái lắc đầu đầy ái ngại.
Vụ việc được báo lên cảnh sát địa phương và họ cũng lùng sục khắp nơi mà không thấy gì. Chó nghiệp vụ được mang ra dùng nhưng nó chỉ đánh hơi đến bờ biển là tắc tịt. Cảnh sát trấn an rằng sẽ làm tất cả mọi thứ để tìm con gái của bà.
Hình ảnh tư liệu về Megumi Yokota.
Một ngày, hai ngày, một tuần rồi hai tuần trôi qua đều bặt vô âm tín. Thông tin vụ Yokota mất tích được đăng lên các trang báo hàng đầu của Nhật nhưng cũng không ai biết được cô bé ở đâu. Điều an ủi cho nhà bà Sakie chỉ là chưa phát hiện thấy xác cô bé nên điều đó có nghĩa là con gái của họ vẫn sống. Họ vẫn sống trong hy vọng và chờ đợi một phép màu sẽ mang con gái của họ trở về.
20 năm sau, thông tin của Yokota mới được chính thức xác nhận khi chính quyền Triều Tiên cho Thủ tướng Nhật khi ấy là ông Junichiro Kozumi biết Yokota là một trong 13 người Nhật được họ "tuyển dụng" làm việc (còn Nhật và các nước phương Tây gọi đó là hành động bắt cóc). Báo chí Nhật cho rằng con số 13 mà Triều Tiên đưa ra chỉ là một lượng nhỏ và họ tin rằng con số thật sự phải là 300.
Dù sao thông tin như vậy cũng khiến nhà bà Sakie cảm thấy sống lại một nỗi niềm hy vọng. Trong thâm tâm của bà Sakie thì dù sau 20 năm, cô con gái Yokota vẫn là một đứa trẻ 13 tuổi đang khát khao về với gia đình. Hàng ngày, hai vợ chồng thay nhau đi dò hỏi các cơ quan chính quyền và ngoại giao để xem con gái của họ thế nào. Tuy nhiên, ngoài những lời an ủi và hứa hẹn thì chính quyền Nhật cũng hết cách vì Triều Tiên là một quốc gia khép kín.
Niềm hy vọng đoàn tụ sớm với con ngày càng teo tóp nhưng hai vợ chồng Sakie không nản chí. Họ viết thư liên tục đến văn phòng thủ tướng Nhật.
Thời điểm cuối thế kỷ 20, chính trường Nhật thay đổi thủ tướng xoành xoạch nhưng đời thủ tướng nào cũng vẫn nhớ tới lá thư của hai vợ chồng già gửi hỏi thăm cô con gái mà họ mô tả là bé nhỏ, yếu ớt. Thậm chí, hai vợ chồng còn nhờ người thạo tiếng Anh viết thư gửi sang nhờ tổng thống Mỹ khi ấy là Geroge Bush giúp đỡ tìm con gái họ. Họ cho rằng chính phủ Nhật chưa đủ tác động lên chính sách của Bình Nhưỡng mà cần phải thêm ảnh hưởng của chính quyền Mỹ. Hàng tuần, họ cũng đến đại sứ quán Mỹ để hỏi thăm vì hy vọng Mỹ với mạng lưới tình báo rộng lớn sẽ có thêm tin tức về con cái họ. Tuy nhiên, nhân viên đại sứ quán Mỹ cũng chỉ nói rằng họ sẽ làm mọi thứ để giúp đỡ Nhật và gia đình bà Sakie.
Còn nữa...