Trước khi khủng hoảng kinh tế xảy ra ở Nga vào những năm 1998, tôi thường hay qua phòng làm việc của anh Bạch Vọng Hà, lúc bấy giờ là Tham tán Phòng Lưu học sinh, nằm trên phố Krapotkinxki pereulok.
Những năm 1996 đến giữa năm 1998 là thời kỳ gặt hái thịnh vượng của cộng đồng người Việt. Dân bán hàng ở các ốp làm ăn phơi phới, giá thuê nhà hãy còn rẻ, làm giấy tờ không đến nỗi khó khăn. Khi đó, người Việt một mình một ngựa phi trên đại lộ của cơ chế thị trường Nga vừa mới được khai sinh. Trong không khí ấy, anh Bạch Vọng Hà có ý đặt vấn đề với tôi, nhờ tôi liên hệ với một số tổng giám đốc các trung tâm thương mại xin khoảng 10 suất bổng cho những sinh viên nghèo vượt khó; và chừng hai chục suất phần thưởng cho những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc năm học 1998-1999. Anh hy vọng việc này sẽ động viên các em sinh viên rất nhiều và trở thành một phong trào khuyến học của cộng đồng.
Tháng 10.1998, tôi có dịp lên chỗ anh Hà để nộp quyết định của nhà trường về việc cử tôi làm đại diện của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia tại Nga. Nhân thể, tôi nảy ra ý định bàn với anh tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ nhất.
Xuất phát điểm của việc này là ở chỗ, cộng đồng người Việt tại Mátxcơva có mật độ trí thức dày đặc và trong đó có rất nhiều nhà giáo từng giảng dạy từ phổ thông đến bậc đại học.
Tôi thống kê cho anh Hà một danh sách hơn 200 giáo viên hiện đang sống, làm ăn tại Mátxcơva mà tôi nắm được. Anh rất hào hứng và rất quyết tâm tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam thành một ngày lễ truyền thống tại Nga.
Tôi đem ý kiến của anh Bạch Vọng Hà trình bày với Ban giám đốc Trung tâm Thương mại Bến Thành ở Mátxvơva. Chủ tịch trung tâm vốn là giáo viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nên nói tới ngày nhà giáo là anh hưởng ứng ngay.
3 giờ chiều ngày 18.11.1998, đúng vào ngày thứ 7, buổi lễ Ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại hội trường tầng 1 đại Sứ quán. Cả hội trường chật ních, với khoảng 120 người, đúng như dự tính. Số khách đông quá, nên phải dồn sang cả phòng bên cạnh. Vì làm cập rập, nên phông trình bày không được đẹp lắm, nhưng quan khách đều thể tất cho. Còn hoa thì không chỉ Sông Hồng, KT, mà cả An Đông, Lion, Xaliut, ốp Giầy, mỗi nơi đều mang đến một lẵng to. Giữa ngày đông, mỗi bông hoa giá chừng 6 đôla, gần chục lẵng hoa, số tiền không phải nhỏ, thế mới biết tấm lòng của bà con cộng đồng!
Sau phát biểu của Đại sứ Ngô Tất Tố, Tham tán Bạch Vọng Hà, Giáo sư Trần Văn Cơ, một nhà giáo cao niên đã thay mặt tất cả các thầy cô giáo bày tỏ tình cảm của mình nhân ngày nhà giáo được tổ chức nơi cách xa đất nước gần chục ngàn km.
Các cô giáo, thầy giáo thay phiên nhau kể về những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời dạy học. Nhiều người đọc thơ, nhiều người hát bằng tiếng Nga và tiếng Việt.
Ba bó hoa hồng to, Tham tán Bạch Vọng Hà trao tặng Đại sứ Ngô Tất Tố, Giáo sư Nguyễn Văn Thạc và Giáo sư Trần Văn Cơ.
Tám năm sau, năm 2006, nhờ sự tài trợ của Công ty Emeral, chúng tôi đã tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam kết hợp với một hội thảo khoa học hoành tráng chưa từng có.
Nhưng trong lòng tôi, những ấn tượng về buổi lễ kỷ niệm ngày nhà giáo đầu tiên khiêm nhường vẫn vô cùng sâu đậm. Nó mở đầu cho hàng loạt những hoạt động của cộng đồng trong những năm tiếp theo.
XEM THÊM:
>> Nhà giáo, bác sĩ nông học Lương Định Của - người tận tâm với nông dân
>> Chuyện người Thầy có nhiều học trò đỗ đại khoa trong lịch sử dân tộc