Dân Việt

Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá cá tra, basa: Cân nhắc khởi kiện lên WTO

Thanh Xuân (Thực hiện) 23/11/2014 07:24 GMT+7
Về việc Mỹ tiếp tục áp mức thuế chống bán phá giá cá tra, basa của Việt Nam, ông Ngô Quang Tú - Trưởng phòng Chế biến và Bảo quản thủy sản (Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối -Bộ NNPTNT) cho rằng, ngoài phương án cân nhắc khởi kiện lên WTO, Việt Nam có thể triển khai nhiều giải pháp khác để đối phó, đặc biệt là phương án  tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thưa ông, việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm đối với mặt hàng cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam, ảnh hưởng ra sao tới sản xuất và xuất khẩu của ngành cá tra nước ta?

- Hiện nay sản lượng cá tra, basa của nước ta xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 19% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam và chiếm khoảng 91% thị phần cá tra tiêu thụ tại Mỹ. Việc sản phẩm cá tra Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Mỹ đã gây ra phản ứng của các nhà sản xuất cá da trơn tại nước này, nên có thể thấy rằng việc áp thuế chống bán phá giá mang màu sắc bảo hộ sản xuất trong nước của Chính phủ Mỹ.

imgNgoài phương án cân nhắc khởi kiện lên WTO, các doanh ngiệp Việt Nam vẫn có thể triển khai nhiều giải pháp khác để đối phó, đặc biệt là phương án tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. LHT

 

Thực tế, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá từ năm 2002-2003 đến nay đã trên 10 năm. Do vậy, kết quả đợt rà soát lần này thêm 5 năm nữa không gây bất ngờ đối với các doanh nghiệp của Việt Nam và vì thế ảnh hưởng không nhiều đến sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam so với những năm trước đây khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ và cũng không liên quan gì tới kết quả đấu tranh hàng năm của các doanh nghiệp.

Ông có thể cho biết, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ NNPTNT sẽ có những kế hoạch và giải pháp cụ thể gì trước thông tin này?

Quan điểm

Ông Ngô Quang Tú
 Các doanh nghiệp cần lưu ý: Không tăng đột biến sản lượng cá tra vào Mỹ, tránh gây sốc cho thị trường này; nghiên cứu nhu cầu của thị trường, tăng cường chế biến các sản phẩm cá tra có giá trị gia tăng cao để tránh việc chỉ tập trung xuất khẩu một loại sản phẩm là filet đông lạnh với mức thuế chống bán phá giá cao”. 
- Trước phán quyết mới này, đối với các cơ quan nhà nước, cần cân nhắc tiến hành khởi kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, việc này rất tốn kém, mất nhiều thời gian và chưa chắc chắn có kết quả tốt. Theo tôi, chúng ta chỉ có thể hạn chế thiệt hại bằng một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thêm các thị trường khác ngoài Mỹ như Nga, Trung Quốc, Trung Đông, Nam Mỹ… để không tăng cao nguồn cung cho thị trường Mỹ; đồng thời tổ chức tiếp xúc, tọa đàm với các cơ quan chính phủ Mỹ để đấu tranh nhằm buộc DOC không sử dụng Indonesia là nước thứ ba để so sánh giá làm cơ sở tính thuế vì điều kiện sản xuất quá khác nhau giữa Việt Nam và Indonesia, mà thay bằng các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Bangladesh.

 

Về lâu dài, chúng ta phải đấu tranh để Mỹ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Riêng đối với sản xuất trong nước, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 36 ngày 29.4.2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, qua đó kiểm soát và nâng cao được chất lượng sản phẩm, giá bán sẽ tăng lên góp phần làm giảm biên độ tính mức thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Đối với phía doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, chúng ta cần có giải pháp cụ thể gì để giúp họ sản xuât, chế biến, tiêu thụ cá tra, cá basa tốt hơn?

- Từ kinh nghiệm có được trong hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra muốn kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu tại thị trường Mỹ không có cách nào khác phải chủ động phòng tránh và đối phó thông qua tìm hiểu bản chất, thủ tục tiến hành, sử dụng các biện pháp ứng phó thích hợp. Ngoài ra các doanh nghiệp cần triển khai kịp thời các biện pháp để khắc phục các lý do cụ thể mà Mỹ dựa vào để áp thuế chống bán phá giá sản phẩm cá tra của doanh nghiệp; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường khác ngoài thị trường Mỹ.

Xin cảm ơn ông!