Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đọc khẳng định: Đồng hành cùng doanh nghiệp là xác định cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư là mục tiêu trọng tâm, mang tính đột phá và then chốt.
Trả lời một số thắc mắc về du lịch, khách sạn ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc sở Giao thông Vận tại Quảng Ninh cho biết: vẫn duy trì đảm bảo sơn trắng tàu du lịch, chủ tàu tự tu sửa khi tàu bị bong tróc sơn; kiên quyết xử lý việc chèo kéo, chăn dắt cò mồi khách du lịch, lắp đặt camera ở nhiều vị trí trong khuôn viên của cảng tàu du lịch Bãi Cháy; Quy định tuổi tàu nhằm đảm bảo an toàn cho du khách; Chỉ đóng tàu mới khi thay thế những tàu cũ hỏng, không tăng thêm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Về thắc mắc của Chi hội tàu du lịch trong kê khai giá nói chung và giá dịch vụ du lịch tại Hạ Long nói riêng, ông Nguyễn Văn Minh Giám đốc sở Tài chính cho biết: Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 17, Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính: Doanh nghiệp có quyền điều chỉnh tăng, giảm giá dịch vụ trong phạm vi 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó khi các yếu tố hình thành giá thay đổi đối với dịch vụ, đồng thời phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh mới cho cơ quan tiếp nhận văn bản trước khi điều chỉnh giá dịch vụ. Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá dịch vụ vượt mức 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai giá theo quy định.
Như vậy nếu thực hiện theo quy định trên với mức giá vận chuyển bình quân 300.000đ/giờ thì khi điều chỉnh tăng, giảm 9.000đ/giờ doanh nghiệp phải thực hiện kê khai giá. Quy định này gây khó khăn về thời gian cho tổ chức, các nhân kinh doanh dịch vụ.
“Về vấn đề làm thí điểm nhóm hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu hàng hoá theo Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/1/2014 của Bộ Công thương” đại diện sở Công thương Quảng Ninh cho biết: Ngày 18/3/2014, UBND tỉnh có Quyết định số 558/QĐ-UBND “V/v Ban hành quy định về trình tự, thủ tục và nguyên tắc lựa chọn thí điểm doanh nghiệp thực hiện tái xuất hàng hoá qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong các Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh” và thông báo công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, các doanh nghiệp đều có thể tham gia đăng ký làm tạm nhập tái xuất hàng hoá khi doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh, những doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này phải có năng lực tài chính và kinh nghiệm thực sự, đáp ứng đủ các tiêu chí của UBND tỉnh đề ra.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã nhận được 188 kiến nghị thuộc nhiều lĩnh vực như: cơ chế chính sách, công nghiệp, đất đai, tài chính ngân hàng, đấu thầu, môi trường, nông nghiệp thuế, đầu tư, thủ tục hành chính...
Ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, trong kết quả đạt được chung của tỉnh thời gian qua có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy đồng hành cùng doanh nghiệp là chủ đề lớn mà tỉnh Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, trên tinh thần chung doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả là thước đo hiệu quả công việc của tỉnh Quảng Ninh; doanh nghiệp phát triển, tỉnh Quảng Ninh phát triển.
Hội nghị Gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp là hoạt động được tổ chức thường xuyên của tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây nhằm tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Cũng thông qua hội nghị, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách của mình liên quan đến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư…