Hiện đại hóa hải quân
Trong một báo cáo thường niên được công bố ngày 22.11, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung ( UCESR) cho biết lực lượng hạt nhân của Trung Quốc trong từ 3 - 5 năm tới sẽ được phát triển đáng kể. Báo cáo gồm 3 chương, trong đó chương 2 dành phần lớn để tiết lộ về những bước phát triển của quân đội Trung Quốc. Cụ thể, trong vòng từ 3 đến 5 năm nữa, Trung Quốc sẽ có đến 5 tàu ngầm hạt nhân, mỗi chiếc có thể mang theo 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa. Theo thẩm định của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có tổng cộng 231 tàu ngầm và tàu chiến có trang bị tên lửa.
Từ năm 2000 đến tháng 6.2014, tổng số tàu ngầm và tàu mặt nước của Trung Quốc tăng nhẹ từ 284 lên 290, song về chất lượng thì cải thiện rõ rệt. So với những tàu ngầm thế hệ cũ, tàu mới đóng được trang bị hiện đại kèm theo hệ thống vũ khí và cảm biến tầm xa. Tàu hiện đại của Trung Quốc cũng có xu hướng lớn hơn so với thiết kế cũ, cho phép họ xử lý thô, giữ nhiều nhiên liệu, vật tư để triển khai lâu dài, trang bị nhiều vũ khí và mang theo nhiều thành viên phi hành đoàn để hỗ trợ hợp tác.
Tính đến tháng 6.2014, Hải quân Trung Quốc đã có 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN); 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN); 39 tàu ngầm tấn công động cơ diesel (SS); 12 tàu ngầm tấn công diesel máy độc lập, (SSP); 1 tàu sân bay; 24 tàu khu trục (DD).
“Hung hăng hơn trong tranh giành lãnh thổ”
Cũng theo báo cáo, Trung Quốc đang ngày càng tăng chi tiêu cho quốc phòng, trong đó có việc mua các loại vũ khí tiên tiến, đầu tư các chương trình nghiên cứu và phát triển quốc phòng…
Báo cáo trích dẫn thống kê ước tính của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế, cho thấy trong năm 2013, Trung Quốc đã chi tiêu cho quốc phòng 145 tỷ USD, vượt hơn 21% theo báo cáo của Trung Quốc.
Bản báo cáo của ủy ban nói trên khẳng định rằng “do cảm thấy tự tin hơn về khả năng quân sự, cho nên Bắc Kinh tỏ ra hung hăng hơn trong việc tranh giành chủ quyền lãnh thổ”. Báo cáo cũng nêu lên những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông, cũng như với Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông.
Ủy ban này báo động, sự tăng cường lực lượng hạt nhân của Trung Quốc có thể sẽ làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ, nhất là trong việc bảo vệ Nhật Bản.
Để đối phó với việc Bắc Kinh phát triển nhanh chóng tiềm lực quân sự, ủy ban này kêu gọi Quốc hội cấp một ngân sách cần thiết để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng châu Á – Thái Bình Dương và yểm trợ chính sách mới của Nhật cho phép lực lượng phòng vệ của nước này được hành xử quyền tự vệ tập thể. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng Hải quân tại Thái Bình Dương và 40% tại Đại Tây Dương, thay đổi so với tỷ lệ 50/50 trước đó. Lực lượng Hải quân Mỹ tại khu vực sẽ gồm 6 tàu sân bay và nhiều tàu ngầm, chiến hạm.