Giá thành quá cao
Theo tìm hiểu của PV, đa số những người chăn nuôi khi được hỏi về giá TACN đều tỏ ra ái ngại. Bởi những năm gần đây mặc dù đã có nhiều điều chỉnh, nhưng giá TACN vẫn tăng đều, trong khi đó giá sản phẩm chăn nuôi lại tụt giảm, nên tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi, đặc biệt là những hộ chăn nuôi quy mô lớn.
Ông Nguyễn Văn Toàn ở xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc) hiện đang nuôi 20.000 gà đẻ trứng và 2.000 gà thịt cho hay: “Mấy năm trước, tôi mua 100% thức ăn sẵn của CP, hoặc Japfa, nhưng giá cám cao quá. Hơn năm nay tôi đành mua máy xay, trộn rồi mua nguyên liệu ngô, sắn, đậu tương, cá… về để tự làm thức ăn, nên mới có được chút lãi, chứ phụ thuộc 100% thức ăn ngoài chăn nuôi bây giờ chỉ lỗ hoặc hòa”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có được giải pháp “độc” như ông Toàn, nhiều hộ không “chống” được với đà tăng của TACN nên đành phải giảm đàn, hoặc bỏ chuồng. Các địa phương có số hộ chăn nuôi bỏ chuống nhiều như xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), xã Cổ Đông (Sơn Tây), xã Hương Sơn (Mỹ Đức)… Bà Trần Thị Hồng, xã Hương Sơn bày tỏ: “Hiện nay chăn nuôi của chúng ta đang bị lép vế trước chăn nuôi ngoại, nếu chúng ta không chủ động được việc sản xuất TACN, khi gia nhập TPP chắc chắn ngành chăn nuôi của chúng ta sẽ bị các sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài “đánh” sập”.
Cụ thể, năm 2013 giá TACN đồng loạt bị các công ty đẩy lên cao, với lý do nguyên liệu nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, theo tính toán của Hiệp hội TACN Việt Nam, chỉ cần bán với giá 7.800 – 8.000 đồng/kg TACN là doanh nghiệp đã có lãi, nhưng không họ vẫn bán với giá 12.000 – 13.000 đồng/kg. Tham vọng “tăng giá” của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài càng được thể hiện rõ hơn, khi năm 2014 người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn ra liên miên, chăn nuôi thua lỗ, hơn nữa giá thành nguyên liệu cũng tụt giảm. Ví như năm 2013, ngô có giá 6.200 – 6.500 đồng/kg, thì nay chỉ còn 5.500 – 5.600 đồng/kg, đỗ tương 35.000 đồng/kg, nay chỉ khoảng 30.000 – 32.000 đồng/kg… Như vậy giá TACN sẽ phải giảm xuống, nhưng các doanh nghiệp kiên quyết giữ nguyên giá, rồi thực hiện một vài chiêu trò, như giảm sản lượng sản xuất, khuyến khích các đại lý tiêu thụ…
Ông Nguyễn Đại Thắng, ở xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) chủ trang trại lớn nhất Sóc Sơn cho hay: “Chỉ hơn một năm giá TACN đã tăng lên 25 – 30%, có thời điểm lên đến 35%. Cụ thể giá TACN đậm đặc dạng bột như: Con cò, Higro, Cargill… dao động 18.000 – 19.000 đồng/kg (năm 2013 15.000 – 16.000 đồng/kg), loại đậm đặc dành riêng cho lợn từ 20.000 – 24.000 đồng/kg (năm 2013 18.000 – 20.000 đồng/kg)…”.
Nhiều mặt hàng nhập khẩu tới 90%
Nguyên nhân chính của giá TACN đang quá cao là do Việt Nam phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu để sản xuất TACN nên luôn phụ thuộc vào giá nguyên liệu của thị trường thế giới. Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tính đến hết tháng 10, nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng là nguyên liệu cho ngành sản xuất TACN trong nước đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lúa mì nhập khẩu hơn 1,82 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 571 triệu USD, tăng 24,3% về lượng và 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013; khối lượng ngô nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm cũng đạt gần 3,69 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 955 triệu USD, tăng gấp 2,44 lần về lượng và 1,96 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Không chỉ có các mặt hàng nguyên liệu chính, khối lượng nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu cũng tăng mạnh, đạt gần 2,79 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Mặc dù số liệu mới chỉ tới tháng 10 nhưng đã cho thấy tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng rất cao so với năm 2013. Theo Hiệp hội TACN, trong năm 2013, nhập khẩu TACN và các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất TACN trong nước như bột mỳ, ngô, đậu tương… đạt khoảng 4 tỷ USD và chắc chắn con số này sẽ còn tăng cao gấp nhiều lần trong năm nay.
Là một trong những công ty sản xuất TACN có tên tuổi ở thị trường trong nước, ông Nguyễn Hữu Lợi - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM VIC cũng thừa nhận, trong lĩnh vực sản xuất TACN, khoảng 90- 95% nguyên liệu là nhập khẩu, chỉ một lượng nhỏ bột sắn, bột đá, một ít bột cá là Việt Nam tự túc được. “Dù Bộ NNPTNT đã có rất nhiều hội thảo để tìm các sản phẩm thay thế nhưng chất lượng sản phẩm trong nước không bằng, giá cao hơn thì làm sao mà thay thế được nhập khẩu”- ông Lợi nói.
Hiện nay, nếu xét về cơ cấu thành phẩm thì TACN chiếm khoảng 60-70% giá thành, trong khi TACN và đặc biệt là nguyên liệu để sản xuất TACN chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu nên giá thành sản phẩm của ngành chăn nuôi đang rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Từ đó dẫn tới doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu TACN mà ngay cả sản phẩm của ngành chăn nuôi như thịt lợn cũng được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu. Là một trong những đơn vị sản xuất xúc xích lớn ở Việt Nam, TS Mai Huy Tân– Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Đức Việt cho biết, giá thịt lợn của Đức, Mỹ và Đan Mạch đang rẻ hơn Việt Nam rất nhiều, trừ hết chi phí vận chuyển về Việt Nam mới chỉ ở mức 30.000 đồng/kg mà chất lượng lại được cam kết về tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, công ty của chúng tôi hiện vẫn nhập khẩu khoảng 90% lượng thịt lợn để sản xuất xúc xích.