Dân Việt

Chuyện của hai vị vua thời Tiền Lê, Hậu Lê

Hai Miệt Vườn 03/12/2014 11:58 GMT+7
Trong suốt nghìn năm lịch sử phong kiến dân tộc, không ít lần triều đình do vua, chúa đứng đầu phải chao đảo vì cảnh giành ngôi báu. Tìm trong sách sử xin lược ghi chuyện những vị vua bị chính những người anh, em ruột của mình giết hại. Hai vị vua này một ở triều Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập và một ở thời Hậu Lê do Lê Lợi tạo dựng cơ đồ.

1. Lê Trung Tông bị em ruột hạ sát

Lê Trung Tông (983 – 1005) tên húy là Lê Long Việt, là con trai của Lê Hoàn. Vị vua đầu triều Tiền Lê có hơn 10 hoàng tử, sau khi con trưởng là thái tử LongThâu mất, Long Việt được lập làm Thái tử.

img

Tượng vua Lê Long Đĩnh (Nguồn: Internet).

Năm 1005, Lê Hoàn qua đời, các hoàng tử đánh nhau tranh ngôi quyết liệt suốt 8 tháng, khiến đất nước rơi vào tình trạng gần như "vô chủ". Cuộc tranh chấp chính xảy ra giữa thái tử Long Việt và hoàng tử thứ hai Ngân Tích, là người có thế lực nhất trong số các anh em còn lại.

Tháng 10 năm 1005, Ngân Tích thua và bị giết chết. Long Việt lên ngôi làm vua, niên hiệu là Lê Trung Tông.

Nhưng ở ngôi chỉ được 3 ngày thì thành quả của Lê Trung Tông tan thành mây khói khi ông bị người em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh cho người vào cung hạ sát khi mới 22 tuổi đời.

Đại Việt sử ký toàn thư chép sự kiện này như sau: Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông.

Cái chết của Lê Trung Tông kết thúc cuộc tranh đoạt ngôi vua do chính các anh em trong nhà gây ra và kéo dài sau khi vua cha mất.

2. Vua Lê Nhân Tông bị anh sát hại để giành ngôi

Lê Nhân Tông (1441 – 1459), vị vua thứ ba của nhà Hậu Lê. Ông tên thật là Lê Bang Cơ. Dù chỉ là con trai thứ ba, nhưng ông được vua cha Thái Tông phong làm Hoàng Thái tử vào năm 1441, khi mới vài tháng tuổi.

Thái hậu Nguyễn Thị Anh làm nhiếp chính cho ông từ khi mới lên ngôi báu cho đến khi ông tự thân chấp chính vào năm 1452. Lên ngôi lúc còn nhỏ, Lê Nhân Tông tỏ ra là vị Hoàng đế anh minh, biết thương dân, sùng kính Nho giáo, xem trọng nghề nông và kính cẩn tông miếu. Ông không có thói đam mê tửu sắc, và biết tôn trọng những người có công đối với vương triều.

Dưới triều Nhân Tông, nước Đại Việt thái bình thịnh trị, đời sống nhân dân ổn định, bờ cõi được bảo vệ và mở rộng. Quân Đại Việt dưới thời Lê Nhân Tông đã thắng lớn trong cuộc tiến công Chiêm Thành, bắt sống được cả vua Chiêm.

img Tượng Vua Lê Thánh Tông được thờ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Ảnh mang tính minh họa cho bài viết Nguồn: Internet)

Ông cũng đối đãi tử tế với người anh khác mẹ là Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân. Tuy vậy, Nhân Tông vẫn bị người anh cả oán hận và muốn đoạt ngôi vì ông chỉ là con thứ.

Cuối năm 1459, Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ đã bắc thang đột nhập vào cung cấm giết vua Nhân Tông. Khi đó ông mới 18 tuổi. Chỉ sau đó 8 tháng, Nghi Dân đã phải trả giá. Kẻ giết hại em ruột đã bị các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng v.v... làm binh biến giết chết rồi lập người em út là hoàng tử Lê Tư Thành lên làm vua, tức là vua Lê Thánh Tông.

 

Vua Thánh Tông lên ngôi đã làm lễ chiêu hồn cho vua anh Nhân Tông và an táng cho ông ở Mục Lăng, Lam Sơn. Ông được tôn miếu hiệu là Nhân Tông, thụy hiệu là Tuyên Hoàng Đế.

Xem gương người xưa, mới ngẫm ra rằng ngai vàng và quyền lực phong kiến có sức hút ghê gớm, làm mờ mắt cả những kẻ đam mê, khiến những kẻ ấy quên cả luân thường đạo lý, quên cả nghĩa anh em, … Dân gian nhắc nhở rằng:

Anh em như thể tay chân,

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

Nhưng có lẽ sống trong cảnh quá đam mê cung vàng điện ngọc, nên những người đó chưa bao giờ nghe và cũng không bao giờ thuộc bài học làm người của muôn dân chăng?