"Ấn Độ cần chuẩn bị cho chiến tranh trên hai trận tuyến và tạo lập hệ thống kiềm chế-răn đe để không cho phép đối phương sử dụng vũ lực quân sự" là tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Douval.
Một trong những thành tố của hệ thống kiềm chế là dòng tên lửa đạn đạo Agni có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Trong tương lai gần, quân đội Ấn Độ sẽ thử nghiệm những tên lửa này. "Sấm sét" bậc nhất trong số đó là Agni-5 đủ sức đưa 2-10 đầu đạn hạt nhân trong khoảng cách hơn 5.000 km.
Về phần mình, Pakistan coi kho vũ khí hạt nhân của quốc gia như là rào cản kiềm chế toan tính hiếu chiến của Ấn Độ. Báo cáo phân tích do Hội đồng Quan hệ Dối ngoại của Mỹ công bố gần đây chỉ ra rằng, Pakistan đang mở rộng sản xuất các vật liệu phân hạch. Và đến năm 2020, họ có thể chế thêm 200 đầu đạn hạt nhân. Quân đội Pakistan có thể sử dụng máy bay, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình làm phương tiện mang vũ khí hạt nhân.
Có vẻ là trong hành động của họ, ban lãnh đạo quân sự của Ấn Độ và Pakistan đều theo đuổi những ý tưởng kiểu La Mã cổ đại như "nếu muốn hòa bình phải chuẩn bị cho chiến tranh"; bởi sự gia tăng kho vũ khí hủy diệt hàng loạt đang phân định cơ sở xây dựng quan hệ giữa hai nước, ông Ivan Konovalov Giám đốc Trung tâm Cục diện Chiến lược nhận xét.
"Đây là con đường phát triển logic của bất kỳ quốc gia nào sở hữu vũ khí hạt nhân, nhất là nếu quốc gia đó cho rằng vũ khí hạt nhân bảo lãnh cho sự tồn tại của đất nước. Cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều suy tính và tin tưởng như vậy. Vì thế, họ chú trọng phát triển vũ khí hạt nhân nhưng mỗi nước đều có các đồng minh không quan tâm phát triển vũ khí hạt nhân không kiểm soát. Do đó, tôi nghĩ rằng, toàn bộ tình huống này sẽ gia tăng trên cơ sở sự đồng thuận của tất cả các nước hữu quan".
Đã rõ rằng Mỹ chẳng hạn, thể hiện sự chú ý cao đến kho vũ khí hạt nhân của Pakistan. Islamabad e ngại rằng, thậm chí Mỹ có thể triển khai chiến dịch quân sự để chiếm đoạt vũ khí hạt nhân của Pakistan. "Những lo lắng này dựa trên cơ sở là đã có một số dấu hiệu chứng tỏ giới quân sự Mỹ đang vạch kế hoạch hành động để ngăn chặn không cho các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay bọn khủng bố", như viết trong báo cáo của Hội đồng Mỹ về quan hệ đối ngoại.
Tuy nhiên, chính mối đe dọa phổ biến chủ nghĩa khủng bố có thể trở thành một trong những nền tảng của quá trình chuyển hóa từ đối đầu sang hợp tác. Cả Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc (đối thủ quân sự tiềm năng của New Dehli) đang phải giải quyết những nhiệm vụ tương tự về chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Trong vấn đề này, thay vì mâu thuẫn, đối đầu, các cường quốc hạt nhân cần đi tới hợp tác quốc tế rộng mở kể cả trong lĩnh vực đảm bảo an ninh hạt nhân.