Dân Việt

Đau đầu với lãi suất

09/05/2011 12:01 GMT+7
(Dân Việt) - Không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong mấy tháng nay đã kêu trời về lãi suất vay ngân hàng quá cao.

Với mức lãi suất trên dưới 20%/năm, chẳng những làm cho họ khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, mà có tiếp cận được thì với lãi suất đi vay vượt quá khả năng sinh lời của mình sẽ dẫn đến hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.

Đành rằng lãi suất cho vay cao có một phần do lãi suất huy động cao (14%/năm) nhưng có một nguyên nhân quan trọng là do chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động hiện ở mức khá cao, lên đến 5- 6%, vượt quá thông lệ 3% lâu nay trên thế giới cũng như của các ngân hàng thương mại trong những năm trước đây.

Chênh lệch này là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng các ngân hàng thương mại thì lợi nhuận tăng, đạt quy mô lớn, còn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì giảm lãi, lãi thấp, thậm chí còn bị lỗ. Đã có không ít doanh nghiệp phải thốt lên: Sản xuất kinh doanh phải “còng” lưng “nuôi” ngân hàng.

Có một số ngân hàng thương mại cho rằng, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại không phải là 14%/năm mà cao hơn mức này, nếu cộng thêm việc thưởng hoặc để giữ chân khách hàng, đã phải đưa ra mức lãi suất thỏa thuận cao hơn. Điều đó có một phần đúng nhưng là do các ngân hàng thương mại đã “lách” quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tất nhiên, với mức trần lãi suất tiết kiệm 14%/năm, (hay 1,17%/tháng) chưa có sức hấp dẫn đối với người gửi tiền, do chưa bảo đảm lãi suất thực dương cho họ. Lãi suất tiết kiệm bị thực âm và đã kéo dài từ tháng 9 năm ngoái đến nay, do tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân đã lên đến 1,94%/tháng.

Những người “mặc cả” được lãi suất thỏa thuận với các ngân hàng phần lớn là những người có số tiền gửi phải rất lớn; còn những người có số tiền nhỏ (chủ yếu là những người về hưu, những người có thu nhập không cao), thì làm sao có vị thế để “mặc cả” được.

Như vậy, việc khống chế trần lãi suất huy động (một việc làm ngược và thiếu tính công bằng), một lần nữa người gửi tiền bị thiệt thòi, người hưởng lợi là các ngân hàng thương mại, chứ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cũng không được hưởng.