Mất ăn mất ngủ vì sạt lở
Ông Đỗ Viết Thắng - Trưởng thôn 5, xã Quảng Bị cho biết: “Những năm trước, nước sông nhỏ, chảy hiền hòa lại có nhiều cá, tôm nên mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều hộ dân hai bên bờ. Nhưng mấy năm gần đây, dòng sông bỗng dưng dữ dằn, nước dâng cao, tạo thành những vùng xoáy lớn ăn sâu vào bờ và cuốn dần đất đai, nhà của, hoa màu của bà con”.
Ngày 18.11, chúng tôi đến thôn 5 tìm hiểu thì ông Đào Đức Khang ở đội 9 nhất quyết mời chúng tôi vào nhà ông: “Mọi người phải vào xem tận mắt mới biết gia đình tôi đang sống khổ như thế nào! Không chỉ nhà ở bị lún, nứt mà các công trình phụ, đất đai, hoa màu cũng bị nước lũ cuốn trôi hết, không biết có giữ nổi cơ nghiệp cả đời không nữa”. Chỉ vào những vết nứt trong nhà và phía chuồng trại chăn nuôi liêu xiêu, ông Khang cho biết: “Theo sổ đỏ, gia đình tôi có trên 360m2 đất thổ cư, nhưng vừa rồi đo lại chỉ còn chưa đến 10 thước (khoảng 240m2)”.
Tương tự, nhà ông Đỗ Viết Hữu (đội 9) cũng thiệt hại nặng nề khi khu vực chuồng trại chăn nuôi, bếp nấu, nhà vệ sinh... đã bị nước lũ cuốn trôi. “Ngay cả ngôi nhà, giờ cũng chỉ còn tính bằng ngày chờ Hà Bá lấy đi. Năm nay, thôn và xã cũng đã tổ chức nhiều lần họp dân, hầu hết bà con đều xin tự nguyện hiến đất, hoa màu, cây cối để chính quyền triển khai làm đê kè. Hồi tháng 5, nhiều đoàn công tác đã về thôn 5 khảo sát, đo, vẽ và hứa sẽ triển khai làm đê, dự kiến đến tháng 10.2014 sẽ hoàn thành nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa có động tĩnh gì?” - ông Hữu nói.
Vẫn đang chờ... kinh phí
Nhiều bà con thôn 5 cho biết, nguyên nhân khiến hiện tượng sạt lở ở đây ngày càng nghiêm trọng là do thời tiết diễn biến thất thường, mưa lũ nhiều nên lượng nước đổ về từ thượng nguồn lớn, lòng sông lại hẹp, vì vậy nước dâng cao, xoáy tàn phá hai bên bờ. Ông Trịnh Đình Trung – cán bộ phụ trách thủy lợi xã Quảng Bị cho biết thêm: “Tại khu vực bờ sông thuộc địa phận thôn 5 có nền đê cao, đất lại yếu, địa chất phức tạp, cùng với đó là lưu lượng dòng chảy sông Bùi lớn hơn trước, khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, có thể do việc xây kè đê không đều giữa 2 bên bờ khiến dòng chảy bị chuyển hướng, phá bờ còn lại”.
Ông Trung cũng nói thêm: “Ngay sau khi xảy ra tình trạng sạt lở, lãnh đạo xã đã xuống kiểm tra, khảo sát. Trước mắt, chúng tôi đã vận động người dân chặt cây cối khơi thông dòng chảy, đóng cọc tre, bao đất be bờ để hạn chế xoáy, lở. Xã cũng đã thống kê thiệt hại báo cáo lên huyện, thành phố và đã được thành phố cho triển khai xây kè tại khu vực sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 700m. Hơn 3km bị sạt lở còn lại vẫn đang chờ kinh phí”.