Giá thịt ngoại bằng nửa thịt nội
Mặc dù phải chịu thuế nhập khẩu nhưng theo khảo sát của phóng viên, nhiều loại thịt ngoại nhập đang có giá rẻ hơn cả thịt nội. Cụ thể, giá gà công nghiệp trong nước (nguyên con làm sẵn) đang ở mức 40.000 – 45.000 đồng/kg, trong khi thịt gà nhập về chỉ hơn 20.000 đồng/kg. Đây chính là lý do vì sao hầu hết các quán ăn bình dân, bếp ăn tập thể đang chuyển dần từ thịt gà nội sang sử dụng... thịt gà ngoại.
Chị Huỳnh Ngọc Thủy - chủ một quán cơm ở đường D2, quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết: “Quán của tôi chủ yếu bán cơm cho công nhân, sinh viên nên khi thấy thịt gà ngoại có giá rẻ, tôi đã chuyển sang sử dụng từ hơn 4 tháng nay. Hiện đùi gà, cánh gà nhập khẩu trong siêu thị Metro đều bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại”.
Đặc biệt, càng về dịp cuối năm, lượng thịt ngoại nhập về càng gia tăng, phục vụ dịp giáng sinh, tết... Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu chính ngạch hơn 2.350 tấn thịt các loại, trị giá 4,6 triệu USD, nhập nhiều nhất vẫn từ Mỹ, châu Âu. Đáng chú ý là trong tháng 9.2014, lượng thịt lợn nhập khẩu đạt 257 tấn, tăng hơn 70% so với tháng 8.
Người nuôi lãnh đủ
Việc thịt ngoại tràn ngập thị trường đã khiến giá các sản phẩm chăn nuôi trong nước liên tục giảm sâu từ hơn nửa tháng nay. Anh Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Bình Phước cho biết, hơn 10 ngày nay, giá gà lông trắng bắt tại chuồng chỉ đạt 27.000 – 28.000 đồng/kg, giảm hơn 6.000 đồng/kg so với thời gian trước đó. Với mức giá này, người nuôi đang lỗ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Tương tự, gà lông màu, gà Tam hoàng vốn được xem là thế mạnh của ngành chăn nuôi Việt Nam cũng đang bị “cơn bão” gà ngoại “đè bẹp”, rớt giá thê thảm. Anh Hoàng Mạnh Hà - chủ trại nuôi ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) chán nản nói: “Khoảng nửa tháng qua, gà lông màu liên tục rớt giá, từ 48.000 đồng/kg hiện chỉ còn 38.000 đồng/kg. Chưa năm nào giá gà lông màu lại xuống thấp như vậy, khiến người nuôi chúng tôi lãnh đủ thua lỗ. Nghe nói càng về cuối năm, thịt ngoại nhập về càng nhiều, không biết giá gà trong nước còn giảm bao nhiêu nữa đây?”.
Theo các nhà nhập khẩu, sở dĩ giá thịt ngoại rẻ hơn thịt nội là do các sản phẩm như đùi gà, cánh gà, chân gà hay tim, phín, lưỡi bò… là phụ phẩm ở nước ngoài, nhưng lại là những sản phẩm “đặc sản” đối với người dân Việt Nam. “Thị trường tiêu thụ tốt, giá cả cạnh tranh, lại thêm việc Nga cấm nhập khẩu thịt từ Mỹ, EU khiến các nhà xuất khẩu ở Mỹ, EU đã tìm đến nước ta như một thị trường mới, đầy tiềm năng” - ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc cơ quan Thú y Vùng VI giải thích.
Để góp phần khắc phục tình trạng thịt nội bị thịt ngoại “đè bẹp”, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang triển khai chương trình liên kết sản xuất theo chuỗi cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch hiệp hội cho biết, hiệp hội đã kêu gọi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại và thành lập HTX sản xuất và chế biến Đồng Hiệp để tổ chức sản xuất quy mô lớn, từ đó giảm chi phí. Thông qua HTX, hiệp hội đã cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y... cho bà con với giá gốc, sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thành ít nhất 15%. Hiện HTX đang có trên 50 xã viên, năng lực cung ứng từ 1.000 – 3.000 con lợn và 8.000 – 10.000 con gà mỗi ngày. “Liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ giúp HTX nói riêng và hiệp hội kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như giảm giá thành, từ đó dễ dàng đưa đi tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn. Làm được điều đó, chúng ta sẽ không sợ thịt ngoại đông lạnh nhập về nhiều hay ít nữa, bởi dù gì người dân Việt Nam cũng vẫn có thói quen ăn thịt tươi” – ông Công khẳng định.
Ngày 25.11, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, việc các loại thịt ngoại nhập khẩu ngày càng nhiều vào nước ta chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi nông hộ, do chất lượng thịt ngoại rất cạnh tranh, được nhiều người tiêu dùng thích. Người chăn nuôi không nên quá lo lắng, bởi dự báo từ nay đến cuối năm, giá cả các mặt hàng thực phẩm sẽ giữ ở mức ổn định chứ khó giảm thêm. Ngoài ra, phần đông người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ăn thịt tươi nóng (gia súc, gia cầm nuôi và giết mổ trong nước) chứ ít dùng thịt đông lạnh, riêng với thịt gà, hầu hết vẫn dùng gà lông màu, còn gà lông trắng chủ yếu dùng sản xuất thức ăn nhanh.
Tuy nhiên, để tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thịt nhập khẩu cũng như gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững, hộ chăn nuôi bắt buộc phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để giành thế chủ động, tìm cách hạ giá thành bằng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Quan trọng nhất là phải đẩy chất lượng lên và hạ giá thành xuống thì mới cạnh tranh được.