Tuy nhiên, nhiều dự án thực hiện không đúng cam kết, khiến hàng loạt cánh rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng.
Năm 2008, Công ty Thành Văn nhận 13ha rừng tại khu vực xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương để thực hiện dự án trồng cây, trồng hoa trang trí và nuôi cá nước lạnh. Trong đợt kiểm tra mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm cây thông ba lá thuộc khu rừng đã giao cho Công ty Thành Văn (rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim) bị khoét gốc và đổ thuốc độc cho đến chết. Diện tích rừng bị tàn phá hơn 2,1ha với mức độ thiệt hại về lâm sản và môi trường hơn 1 tỷ đồng.
Nhiều cây thông trong khu rừng đã giao cho Công ty Thành Văn bị khoét ruột và đổ thuốc độc cho đến chết. |
Năm 2007, Công ty Thành Phong được giao rừng tại khu vực rừng đầu nguồn Đa Nhim để quản lý, bảo vệ và trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và kinh doanh du lịch dưới tán rừng. Thế nhưng, giữa tháng 4.2011, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương phát hiện Công ty Thành Phong phá trên 1,6ha rừng thông ba lá tự nhiên có trữ lượng gỗ 90m3/ha thuộc tiểu khu 144 xã Đa Sar...
Theo thống kê của UBND Lạc Dương, khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim dọc theo tuyến đường 723 có 16 dự án không được chủ đầu tư triển khai đúng theo cam kết, gây thiệt hại lớn về rừng. Nổi bật là các Công ty Thảo Điền, Tài Tín, Chìa Khóa Vàng, Thành Nam, Võ Lệ Hà…
Cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - ông Nguyễn Duy Hải, chỉ đạo cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi 3 dự án đầu tư theo tuyến Quốc lộ 723, chủ yếu thuộc khu vực rừng đầu nguồn Đa Nhim.
Theo ông Nguyễn Duy Hải, nguyên nhân chính để thu hồi là chủ đầu tư các dự án không thực hiện đúng cam kết, lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép nghiêm trọng. Đó là Dự án nuôi cá nước lạnh của Công ty CP Bất động sản Quang Minh, Dự án khu du lịch Đông Dương của Công ty TNHH Miền Nhiệt Đới Đà Lạt và dự án trồng cây blue berry và rash berry của Công ty TNHH dâu tươi Khánh Bích.
Võ Khắc Dũng