Dân Việt

Giảm thuế giá trị gia tăng cho vật tư nông nghiệp: Giám sát chặt nhằm mang lợi ích cho dân

Ngọc Lương 27/11/2014 12:51 GMT+7
Chiều 26.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều  của các luật thuế. Điểm đáng chú ý khi sửa đổi luật này là một số mặt hàng vật tư  nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT). 

Nâng cao hiệu qủa sản xuất kinh doanh

Trò chuyện với NTNN, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phân tích: Thời gian qua vật tư đầu vào của nông nghiệp ở nước ta vẫn cao, cản trở sản xuất nông nghiệp. Thời gian vừa qua Nhà nước cũng có những cố gắng nhất định nhưng với việc thông qua luật này, theo tôi là một bước tiến quan trọng. Việc giảm thuế GTGT nghĩa là giảm thuế đánh vào người tiêu dùng, đó những hộ gia đình và những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, nó sẽ dẫn tới việc giảm chi phí đầu vào đối với những loại vật tư quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

imgViệc giảm thuế GTGT có ý nghĩa giảm chí phí đầu vào cho việc sản xuất nông nghiệp, đem lợi ích tới người nông dân. LHT

 

“Đây là điều rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập. Cơ hội về thị trường rất lớn nhưng sức cạnh tranh mới là yếu tố quyết định. Trong quá trình hội nhập thì khu vực nông nghiệp bị tổn thương nặng nhất. Tổn thương bởi yếu tố về chi phí sản xuất, do đó chúng ta sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn với các mặt hàng nông sản của các nước khi vào thị trường nước ta” - ĐB Lộc đánh giá.

Theo ông, một điều quan trọng nữa là việc miễn thuế sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước không chỉ trụ vững được ở thị trường trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Việc giảm thuế GTGT cho các mặt hàng vật tư đầu vào của nông nghiệp sẽ là bước mở đầu cho những nỗ lực trong việc giảm đầu vào một loạt chi phí khác, chứ không chỉ riêng vật tư nông nghiệp.

Tuy nhiên, ĐB Lộc cũng nhấn mạnh cần phải có sự giám sát để chính sách này đem lợi ích đến trực tiếp với người nông dân. Ngoài ra, trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau để cung cấp vật tư nông nghiệp chứ không phải thị trường muốn ấn định giá bán thế nào cũng được. Thị trường vật tư nông nghiệp cũng không phải là thị trường độc quyền.

“Tôi cho rằng chính sách giảm thuế không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất nông nghiệp mà còn hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp”- ĐB Lộc nhìn nhận.

Phải kiểm soát được giá thành

Trong khi đó, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, đây là một chính sách rất cụ thể, miễn thuế GTGT sẽ giảm chi phí đầu vào cho người nông dân, sẽ giúp cho ngành nông nghiệp có điều kiện phát triển, đồng thời chia sẻ khó khăn với người nông dân. Nhưng đi liền với chính sách miễn thuế GTGT cho vật tư nông nghiệp thì cũng cần phải kiểm soát giá đối với các mặt hàng trên. Nếu không Nhà nước miễn thuế nhưng người nông dân trực tiếp sản xuất lại không được hưởng lợi.

Để kiểm tra thì vai trò của ngành quản lý thị trường được nêu cao. Ngoài việc kiểm tra hàng gian, hàng giả, họ phải kiểm soát về giá bởi hiện nay chúng ta đã có Luật Giá”- ông Ngân đánh giá và khẳng định: Chính sách miễn thuế sẽ tạo thêm động lực, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào sản xuất các mặt hàng vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Cùng đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhận định: Việc miễn thuế GTGT cho mặt hàng vật tư nông nghiệp rất có lợi cho người nông dân, nhưng Nhà nước phải kiểm soát được giá. Ví dụ tính giá thành mặt hàng chịu thuế GTGT là bao nhiêu, khi miễn thuế rồi thì giá phải thấp hơn. Mục đích của việc không đánh thuế GTGT với vật tư nông nghiệp là giúp người nông dân chứ không phải là tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nếu không kiểm soát tốt thì người được lợi là doanh nghiệp, chứ không phải nông dân.

  Luật bổ sung một số mặt hàng không phải chịu thuế GTGT: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác.