Dân Việt

Thăm đại công trường Airbus

Lê Tiền Tuyến 27/11/2014 06:18 GMT+7
Airbus Industrie được thành lập vào ngày 18.12.1970, hình thành dựa trên sáng kiến chung của chính phủ các nước Pháp, Đức, Anh. Năm 1971, Tây Ban Nha đã tham gia mua cổ phần, trở thành “bộ tứ” của tập đoàn hàng không hùng mạnh của châu Âu (trụ sở đóng tại Blagnac, ngoại ô thành phố Toulouse, Pháp).

Niềm tự hào châu Âu

Là đơn vị sản xuất một nửa số máy bay phản lực vận chuyển hành khách của thế giới, thiết lập mạng lưới hoạt động trên khắp châu Âu, Tập đoàn Airbus không chỉ là “xương sống” của nền kinh tế châu Âu, mà còn là một thành tựu lẫy lừng trong ngành hàng không về sản xuất công nghệ cao với những dòng sản phẩm vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa có sức tải lớn. Airbus cũng là nơi ra đời máy bay Concord vang dội thị trường hàng không; sáng chế phần mềm điều khiển tự động (Fly-by-Wire) không cần thao tác thủ công trên các chuyến bay.

Tiếp chúng tôi tại hội sở Trung tâm (Airbus Center Entyti) - một tòa nhà thiết kế giống như chiếc tàu bay, ông Alan Pardoe- Giám đốc truyền thông Tập đoàn, tự hào cho biết: Hiện nay Airbus sử dụng khoảng 65.000 nhân công tại 16 địa điểm ở 4 quốc gia khối Liên minh châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và hàng triệu việc làm của 2.000 cơ sở vệ tinh trên khắp thế giới, cung ứng các phụ liệu khác.

Mỗi năm sản phẩm của Airbus vận chuyển 3,3 tỷ hành khách, 51,7 triệu tấn hàng hóa, đóng góp 2,2 ngàn tỷ GDP toàn cầu. Là một tập đoàn đa quốc gia, mỗi công ty được phân công sản xuất các chi tiết của máy bay. Các linh kiện, cấu phần đồ sộ của máy bay được vận chuyển bằng các phương tiện có trọng tải cực lớn, từ các nước đưa về lắp ráp và sản phẩm cuối cùng được xuất xưởng tại Toulouse (Pháp); Hamburg (Đức); Seville (Tây Ban Nha).

img
Một góc công trường sản xuất máy bay.    Lê Tiền Tuyến 

 Ông Fabrice Espinosa- Giám đốc bán hàng khu vực châu Á, cho biết: Đến nay Tập đoàn Airbus đã nhận 14.500 đơn vị đặt hàng, đã chuyển giao 8.600 sản phẩm cho các hãng hàng không, thực hiện 25.000 chuyến bay mỗi ngày. “Để dễ hình dung, quý vị cứ liên tưởng: Mỗi 2 giây thì có một chiếc máy bay mang số hiệu Airbus cất cánh hoặc hạ cánh trên toàn thế giới. Mỗi tháng chúng tôi xuất xưởng 42 tàu nhưng không kịp giao theo hợp đồng của khách hàng. Về sản xuất, năm 2014 Airbus chiếm 53% thị phần thế giới, Boeing chiếm 47%” - ông Espinosa nhấn mạnh.

Dưới ánh nắng hanh vàng của mùa thu nước Pháp, chị Alizee Genilloud, thuộc bộ phận truyền thông tập đoàn, đưa chúng tôi đi tham quan các cơ sở lắp ráp các loại tàu bay tại Toulouse. Thật khó lòng đi hết khuôn viên sản xuất rộng đến 750ha, Genilloud vừa ngồi trên xe hơi hướng dẫn tham quan các đại công xưởng, vừa thuyết minh: Để xuất xưởng một chiếc Airbus, công đoạn đầu tiên là kết nối thân, cánh, động cơ; sau đó là lắp càng hạ cánh, buồng lái; các thiết bị điện, điện tử và hệ thống dẫn đường; cuối cùng là lắp đuôi, cánh lái...

Mỗi xưởng có thể lắp ráp 2 máy bay cùng lúc, sau đó mang máy bay ra khu thử nghiệm nạp nhiên liệu, điều chỉnh các thông số. Hoàn chỉnh xong, tàu bay có thể cất cánh bay về nhà máy ở Frankfurt (Đức) để lắp ghế ngồi. Sau đó máy bay quay lại Toulouse sơn, bay thử lần cuối cùng trước khi chuyển giao cho khách hàng.

Đối tác chiến lược

Ngành hàng không Việt Nam được đánh giá non trẻ nhưng sở hữu đội bay hiện đại, được đầu tư bằng các thế hệ máy bay mới, ít xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn hàng không. Cũng chính vì điều đó, ngành hàng không Việt Nam hội đủ các điều kiện khắt khe để vươn đến bầu trời các nước châu Âu, châu Mỹ và hiện nay đang rộng mở đến các vùng còn lại của thế giới nếu các hãng quyết tâm thiết lập đường bay.

Mối quan hệ của Airbus với Việt Nam bắt đầu từ năm 1991 với đội bay A310 Vietnam Airlines thuê lại từ Công ty Regionnair. Đến cuối năm 1993, Vietnam Airlines có 7 chiếc A320 theo hợp đồng thuê máy bay với Air France cùng tổ lái. Việc khai thác dịch vụ hàng không bằng máy bay A320 đã mang đến cho Vietnam Airlines sự chuyển biến về chất: Độ tin cậy cao; bảo đảm hiệu quả kinh tế; sự ưa chuộng của hành khách... Việt Nam Airlines hiện đang khai thác 60 máy bay Airbus các loại mà hãng sở hữu hoặc thuê lại. Năm 2008, Jetstar Pacific cũng nhập cuộc, trở thành nhà khai thác dịch vụ hàng không mới bằng máy bay Airbus, đang sử dụng 6 chiếc A320 trên các đường bay giá rẻ trong nước.

Do hiệu quả kinh tế từ Airbus (tiết kiệm 15% nhiên liệu so với máy bay cùng loại Boeing 737, bay xa hơn), tháng 12.2011, Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air quyết định khai thác toàn bộ đội bay bằng máy bay Airbus. “Đi sau đá cao”, ngày 25.9.2013 tại Paris trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, VietJet Air và Airbus đã tổ chức lễ ký kết đặt hàng, mua 92 máy bay A320, A321 với tổng giá trị lên đến 9,2 tỷ USD.

Các chuyên gia Airbus nhận định, Vietjet Air đang đi theo con đường của hãng bay giá rẻ khổng lồ của châu Á hiện nay, như Air Asia (Malaysia), Lion Air (Indonesia). Các hãng này cũng đã ký những hợp đồng đặt hàng lớn với Airbus. Riêng VietJet Air ngoài khai thác các tuyến nội địa, đã mở đường bay quốc tế tới Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore... Với năng lực vận chuyển mở rộng theo đơn đặt hàng mới, VietJet Air đã đàm phán với Hãng KanAir (Thái Lan) thành lập hãng bay Thai VietJet Air và một hãng hàng không ở Myanmar lập một liên doanh tương tự, mở rộng dịch vụ hàng không giá rẻ đến các nước.

Với sự thành công của các dòng máy bay, năm 2009 Airbus đã mở thêm nhà máy sản xuất ở Thiên Tân (Trung Quốc); mở các công ty con tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ. Riêng tại Việt Nam, vào tháng 4.2014 Airbus công bố chọn Công ty Nikkiso VietNam (Hà Nội) là đơn vị sản xuất các linh kiện máy bay, chuyên sản xuất xà dọc bằng composite của cánh máy bay và các tấm chắn thiết bị đầu cánh sharklet, hiện được trang bị trên dòng máy bay A320 bán chạy nhất thế giới.

Để trở thành đối tác chiến lược của 365 hãng hàng không trên toàn thế giới, Airbus đã ghi những dấu ấn nổi bật trong ngành hàng không: Sản xuất máy bay vận chuyển hành khách siêu thanh Concord đầu tiên, đưa ra thị trường loại máy bay chở khách điều khiển điện tử tự động (Fly-by-Wire) đầu tiên (A320); sản xuất máy bay chở khách lớn nhất thế giới đầu tiên (A380). A380 đã được công chúng đón nhận hồ hởi như một sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao nhất thời hiện đại vì sức chở lớn nhưng tiết kiệm nhiên liệu do dùng các vật liệu mới. Sự ra đời của A380 đã làm đảo lộn dịch vụ hàng không trên thế giới: Phải xây dựng nhà ga đón khách, đường băng, đường hạ cất cánh mới... để có thể tiếp nhận một siêu máy bay có lượng chở khách từ 555-840 người cùng lúc. Nhưng chưa dừng lại ở đó, hiện nay Airbus đang thử nghiệm loại máy bay mới A350-2 động cơ, cánh đôi, có sức chứa 250-300 hành khách. Vì chưa đưa vào khai thác nên các thông số kỹ thuật và tính ưu việt vẫn được giữ tuyệt đối bí mật và nhiều người đang kỳ vọng một cuộc cách mạng nữa của Airbus trên lĩnh vực hàng không!

    Vietjet nhận tàu bay đầu tiên của hợp đồng Airbus 

 Hôm qua (26.11), Hãng hàng không Vietjet và nhà sản xuất máy bay Airbus thực hiện lễ bàn giao máy bay tại Toulouse, Pháp. Sự kiện này đánh dấu việc Vietjet chính thức sở hữu chiếc máy bay A320 đầu tiên trong đơn hàng mua và thuê 100 chiếc máy bay theo thỏa thuận được ký kết giữa Vietjet và Airbus vào tháng 9.2013 và hợp đồng chính thức vào tháng 2.2014. Sau khi Vietjet và Airbus hoàn tất các thủ tục bàn giao, chiếc máy bay A320 đầu tiên của Vietjet sẽ bay về Việt Nam, dự kiến sẽ hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng ngày 27.11.2014. P.V