Dân Việt

Ngày chiến thắng, nghĩ về lòng nhân ái

09/05/2011 19:53 GMT+7
Có ai đó nói rằng, sau thảm họa phát xít, loài người mới hiểu hơn về lòng nhân ái. Hơn 20 triệu người Xô Viết ngã xuống để thế giới này thoát khỏi thảm họa phát xít đã khẳng định điều ấy.

Năm nào vào dịp lễ mừng chiến thắng cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nước Nga này, tôi cũng thường xuyên theo dõi thông tin trên kênh 1 đài truyền hình ORT. ORT có xu hướng nối tiếp truyền thống Xô Viết nên những chương trình tin tức, âm nhạc, phim truyện của đài này gợi lại không khí hào hùng của cuộc chiến dù hơn 60 năm đã trôi qua.

img
 

Đêm qua, mở kênh 1 đúng lúc kênh này đang phát chương trình ca nhạc mừng ngày lễ chiến thắng ở Matxcơva. Cũng vẫn những bài hát về chủ đề Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại do các nghệ sĩ Liên Xô và ca sĩ trẻ của Nga trình diễn: Đàn sếu, Trận đấu cuối cùng, Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cũ cùng binh đoàn, Đêm tối, Ngày chiến thắng, Đường tới Berlin, Ngọn lửa nhỏ, Matxcơva của tôi, Cuộc chiến tranh thần thánh… mà sao thấy không khí của ngày chiến thắng xúc động lạ thường.

Trong khán phòng rộng mênh mông ấy, có rất nhiều cựu chiến binh cao niên của cuộc chiến tranh tóc bạc phơ, huân huy chương nặng trĩu trên ngực. Họ lẩm nhẩm hát theo giai điệu của những bài hát một thời từng là động lực lớn lao giúp họ chiến thắng kẻ thù phát xít khi họ còn là những anh lính Hồng quân ở độ tuổi 18, đôi mươi. Nước mắt lăn dài trên những gò má nhăn nheo.

Tôi đã từng gặp những người lính Nga như thế khi đến thăm đài tưởng niệm những chiến sĩ Hồng quân hy sinh khi tiến vào Berlin cuối tháng 4.1945 tại Treptower Park và khu rừng Tiergarten gần tòa nhà Quốc hội Liên bang Đức.

Đôi mắt nhăn nheo của những người cựu chiến binh, có lẽ được con cháu đưa tới thăm đài tưởng niệm này, cũng rưng rưng lệ khi ngước lên tượng các chiến sĩ Hồng quân sừng sững.

img
 

Tôi tự hỏi bức tượng người lính Hồng quân một tay ôm em bé, tay kia cầm thanh kiếm như sức mạnh vô song bảo vệ em trước hiểm nguy đã làm rơi lệ không biết bao nhiêu cựu chiến binh Nga. Đó chính là hình ảnh thời tuổi trẻ của họ, khi họ cùng hàng triệu chiến sĩ Hồng quân khác đã ngã xuống không chỉ để bảo vệ Tổ quốc mình mà còn cứu châu Âu khỏi thảm họa phát xít, thảm họa diệt vong.

Có người nào đó đã nói, sau thảm họa phát xít, loài người mới hiểu hơn lòng nhân ái. Người Xô Viết đã chứng tỏ lòng nhân ái cao cả của mình trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Câu nói ấy đã được khẳng định bằng con số cụ thể: Hơn 20 triệu người Xô Viết đã ngã xuống để cứu Tổ quốc và quét sạch đội quân phát xít gây bao tội ác dã man mà nhân loại tiến bộ sẽ mãi khắc ghi ở Belarus, Ba Lan, Tiệp Khắc, phần lớn lãnh thổ Nam Tư, Romania, Bulgaria, Hungary, Đức…

Nhận xét về nguyên soái Zhukov, biểu tượng của những người lính Hồng quân trong chiến tranh vệ quốc, tướng Eisenhower, sau này là Tổng thống Hoa Kỳ, đã nói: “Thế giới này mắc nợ Zhukov nhiều hơn bất kỳ một quân dân nào khác trong chiến thắng phát xít Đức.”

Trong khi lòng căm thù còn ngùn ngụt ở binh sĩ Hồng quân trước những tội ác tày trời mà phát xít Đức đã gây ra đối với gia đình, quê hương mình, nguyên soái Zhukov vẫn yêu cầu cấp dưới của mình: “Căm thù chủ nghĩa phát xít nhưng phải tôn trọng nhân dân Đức”, theo cuốn sách Những bí mật chiến tranh thế giới thứ hai của tác giả Grigori Doberin.

Tháng 5.1945, Nguyên soái Zhukov đã ký những quyết định quan trọng về đảm bảo đời sống cho nhân dân Đức ở khu vực do quân đội Liên Xô chiếm đóng gồm: cung cấp lương thực cho người dân ở Berlin; khôi phục vào bảo đảm hoạt động bình thường của các ngành dịch vụ công cộng tại Berlin và cung cấp sữa cho trẻ em ở Berlin.

Zhukov cũng đề nghị Chính phủ Liên Xô khẩn cấp chuyển đến Berlin gần 100.000 tấn ngũ cốc, 60.000 tấn khoai tây, gần 50.000 gia súc, hàng vạn tấn thực phẩm khác như mỡ động vật, đường. Ông ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội Liên Xô đóng tại nước Đức đều phải tập trung vào việc ổn định đời sống cho nhân dân Đức.

Ấy là tính cách Nga, là lòng nhân ái cao cả.

Theo Hải Hà/VTC News