Dòng sông dài hơn 70 km, từ sông Hồng đổ vào cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), uốn lượn qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên rồi đổ ra sông Đáy ở Phủ Lý, Hà Nam.
Sông Nhuệ ngày ấy xanh lắm, trong lắm. Cá tôm chỉ đặt vó, kéo lưới lưng buổi sáng là thừa thãi tiền chợ. Rồi sự bùng nổ của các khu công nghiệp, các làng nghề đã dần giết chết dòng sống ấy, xoá sổ đi nhiều xóm chài. Nhưng vẫn còn một số gia đình vẫn gắng gượng bám lấy dòng sông.
Họ trốn tránh dòng nước đen ô nhiễm, nên cứ ngược thuyền mãi lên thượng nguồn, nơi nước sạch hơn. Xóm chài hình thành tạm bợ theo mức độ ô nhiễm, nước bẩn tới đâu, lại tìm chỗ mới buông neo, thả lưới tới đấy.
Di cư ngược dòng ô nhiễm, những người dân chài quê Hà Nam lập bến tại thôn Tân Mỹ, Mỹ Đình, Hà Nội.
Đi đánh cá từ 3 giờ sáng đến quá trưa, anh Nguyễn Văn Thuỷ (quê Duy Tiên, Hà Nam) về với mớ cá khoảng 5kg.
Dùng kích điện, những ngư dân này góp phần cho sự cạn kiệt tôm cá trên dòng sông vốn đã ô nhiễm trầm trọng.
Hôm nay được khá nhiều cá, chị vợ anh Thuỷ hồ hởi chuẩn bị thau, chậu đựng cá.
Cá sẽ được mang ra bán tại gần cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm). Mọi chi tiêu cho sinh hoạt của mấy gia đình nhỏ trong xóm này đều phụ thuộc vào những mớ cá mỗi sáng.
Bấp bênh theo con nước, tạm bợ trên thuyền và trong những túp lều ven sông. Điện và nước phải mua lại của các hộ dân trên bờ, cuộc đời những người dân chài này chẳng biết đâu là “bến”.