Liên tục bị “tuýt còi”
Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad), trong tháng 10.2014, thông qua hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và người tiêu dùng, Ủy ban châu Âu (EC), Nafiqad đã nhận được thông tin về 11 lô hàng cá tra bị cơ quan thẩm quyền EU phát hiện dư lượng kháng sinh cấm sử dụng Nitrofurazone. Hầu hết các lô hàng này đều thuộc sở hữu của 4 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lớn trong nước, gồm Công ty CP Thủy sản Bình An, Công ty CP Thủy sản Gò Đàng, Công ty CP Thủy sản Mê Kông và Công ty CP Thủy sản Hùng Vương.
Không dừng lại ở đó, tính đến thời điểm hiện tại, có đến 16 doanh nghiệp có lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh cáo vì vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh. Các chỉ tiêu bị cảnh cáo chủ yếu gồm một số loại kháng sinh cấm sử dụng trong tôm, cá tra như Enrofloxacin, Ethoxyquin, Oxytetracycline…
Lại “báo động đỏ”
Đánh giá tình trạng hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu liên tục bị “tuýt còi” thời gian gần đây, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Nafiqad cho rằng, tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản đang ở mức báo động và hệ thống tự kiểm soát của nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Ông Tiệp cũng cho rằng, việc các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam đồng thời cảnh báo về mất an toàn thực phẩm do phát hiện kháng sinh cấm sử dụng trong sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề bức thiết cho ngành thủy sản.
Ông Võ Quang Huy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) thì cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá thu mua tăng mạnh từ đầu năm đến nay đã khiến việc nuôi tôm trong nông dân phục hồi. Kèm theo đó, thói quen sử dụng kháng sinh, các sản phẩm thuốc thú y có chứa chất cấm để phòng, trừ dịch bệnh của nông dân vẫn chưa giảm. Hậu quả là vô tình khiến tôm nuôi của bà con bị nhiễm dư lượng kháng sinh, chất cấm…
Theo ông Tiệp, để giải quyết tình trạng này, Nafiqad đã yêu cầu các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu đầu vào, liên kết hướng dẫn các hộ nuôi kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, Nafiqad cũng khuyến cáo các doanh nghiệp “chọn mặt gửi vàng”, sử dụng các phòng kiểm nghiệm có uy tín, phương pháp kiểm tra, lấy mẫu, phân tích có tính chính xác cao, hạn chế tình trạng để các nước nhập khẩu phát hiện có dư lượng kháng sinh trong sản phẩm xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, Tổng cục đang phối hợp Cục Thú y nghiên cứu, phân tích các thành phần trong thức ăn thủy sản, từ đó có biện pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả. Cơ quan này cũng yêu cầu chi cục thủy sản các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng, kiểm soát chặt việc sản xuất, kinh doanh thuốc thú y “dỏm”.