Núi Ba Vì còn gọi núi Tản Viên (thuộc huyện Ba Vì xứ Đoài xưa, nay là ngoại thành Hà Nội) là một trong những ngọn núi cổ của nước ta và là ngọn núi của tâm linh, nơi ngự trị muôn đời của Đức Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Truyền thuyết kể rằng núi Ba Vì do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, ngăn nước lũ chiến thắng giặc Thủy Tinh.
Vùng núi Ba Vì với nhiều tên đất tên làng, tên vạt đồi, khe suối, đồng nội, đầm hồ, bờ bãi, đình đền, miếu mạo… còn in đậm trong sự tích và chuyện kể dân gian của xứ Đoài gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh.
Những giai thoại dân gian về cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, chứng tỏ tổ tiên ta đã bắt đầu cuộc trị thủy mở mang bờ cõi từ hạ lưu sông Đà, sông Tích để tạo ra một vùng núi Ba Vì trù phú như ngày nay.
Dãy Ba Vì nhìn từ xa |
Ca dao có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì / Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Thực tế, núi Ba Vì chỉ cao 1.296m còn núi Tam Đảo lại cao đến 1.581m, nhưng có lẽ Ba Vì là nơi ngự của Đức Thánh Tản Viên, nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất (?). Núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn).
Thời Bắc thuộc, để nước Nam không thể “phát vương”, vua đời Đường đã cử Cao Biền, vị tướng kiêm phù thủy dùng pháp thuật đào trăm giếng quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm, triệt long mạch nước ta. Nhưng giếng nào cũng vậy, cứ đào gần xong thì lại bị sập. Và cuối cùng Cao Biền đành phải bỏ cuộc ở đây.
Cùng với xứ Đoài xưa, vùng chân núi cổ Ba Vì là cả một kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, giai thoại phong phú và đa dạng, Nơi đây, chốn địa linh đã sinh nhiều nhân kiệt. Nơi có các danh tướng, danh nhân, quan chức nổi tiếng qua các thời.đại, nơi đất “hai vua” Ngô Quyền và Phùng Hưng, nơi của “núi Tản-sông Đà” sinh ra nhà thơ, nhà báo nổi tiếng Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu…
Tài nguyên thiên nhiên núi Ba Vì rất phong phú, đa dang. Khí hậu núi Ba Vì trong lành mát mẻ. Từ năm 1932, thực dân Pháp đã chọn núi Ba Vì là nơi nghỉ mát lý tưởng ở đồng bằng Bắc Bộ, giống như Sa Pa ở Tây Bắc, như Đà Lạt ở Tây Nguyên.
Vùng núi Ba Vì có rất nhiều danh lam thắng cảnh như Ao Vua, Khoang Xanh–Suối Tiên, Thác Mơ, Thác Đa, Thác Ngà, Thác Hương, núi Đá Chẹ, rừng thông Đá Chông, hồ Xuân Khanh, hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô–Ngải Sơn, hồ Tiên Sa, hồ Suối Cả, hồ Suối Bóp, hồ Suối Mít, đồi cò Ngọc Nhị, khu du lịch Đầm Long, vườn quốc gia Ba Vì…
Nguyễn Bình