Dân Việt

Sớm chủ động nguồn tôm bố mẹ

Hải Hà 03/12/2014 16:00 GMT+7
“Nếu thuận lợi thì trong năm 2016 giống tôm thẻ chân trắng dòng bố mẹ chất lượng, mang thương hiệu Việt Nam sẽ được nhân rộng và đưa ra thị trường” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Phạm Anh Tuấn cho biết như vậy.

Nhập giống ngoại: Đắt đỏ mà... lo!

Con tôm – một đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam năm nay dự kiến đem về kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,6-3,7 tỷ USD (trong tổng số 7,3-7,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành), so với mức 3,1 tỷ USD năm 2013. Dù chiếm phân nửa kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản, nhưng điểm mấu chốt của nghề nuôi tôm nước lợ là chúng ta chưa chủ động được nguồn tôm giống bố mẹ. Mỗi năm, Việt Nam cần 130 tỷ con tôm giống, trong đó có 100 tỷ con tôm chân trắng và 30 tỷ con tôm sú giống. Để đáp ứng được nhu cầu này, thị trường cần 210.000 con tôm giống bố mẹ.

img
Hiện nay người nuôi tôm chưa chủ động được nguồn giống nhân tạo đảm bảo chất lượng, sạch bệnh (ảnh minh họa).      Q.N
Thế nhưng, năm nay chúng ta mới sản xuất được 3.000 cặp tôm sú bố mẹ, đáp ứng hơn 10% tôm sú bố mẹ cần có. Một phần khác chúng ta khai thác từ tự nhiên, nhưng nguồn này tỷ lệ tôm bố mẹ sạch bệnh thấp. Đối với tôm thẻ chân trắng, hiện chúng ta vẫn phải nhập khẩu 100% tôm giống bố mẹ. Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã nhập 284.000 tôm thẻ chân trắng bố mẹ. “Lệ thuộc vào nhập khẩu, chúng ta có 3 điều bất lợi: Một là nguồn cung hạn chế, nhiều khi không đáp ứng đơn hàng; hai là giá cao - mỗi con tôm giống bố mẹ là 50USD; ba là chất lượng chưa chắc đã đảm bảo” - ông Phạm Anh Tuấn phân tích. Ông chỉ rõ: “Vừa rồi, chúng ta đã phát hiện và cắt bỏ hai nhà cung cấp vì họ cứ bắt tôm đồng về bán cho mình”. Như vậy, nếu không kiểm soát chặt chẽ chất lượng, người nuôi tôm ở Việt Nam sẽ phải trả giá rất đắt mà vẫn thấy lo.

 

Chủ động nguồn cung trong nước

Từ năm 2013, Bộ NNPTNT đã triển khai chương trình phát triển giống tôm chân trắng bố mẹ để chủ động nguồn cung trong nước. Chương trình này đang thu gom tất cả các dòng bố mẹ về, sau đó đánh giá xem tổ hợp giống nào tốt nhất để làm bố mẹ và có thể gây đàn luôn. Nếu phương án này có triển vọng thì chúng ta sẽ hạn chế ngay được việc nhập khẩu tôm giống. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân cũng chú ý đến việc sản xuất tôm giống bố mẹ. Là doanh nghiệp “đi đầu” trong lĩnh vực sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ, hiện Tập đoàn Việt – Úc đang sở hữu giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ dòng 2 (G2). Giống tôm này hiện đang trong quá trình đánh giá khảo nghiệm.

Để đẩy nhanh kết quả nghiên cứu ra sản xuất, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã cho phép Tập đoàn Việt – Úc sử dụng ngay đàn G2 vào trang trại sản xuất, nhưng yêu cầu phải ghi rõ thông tin. Đây cũng là cách để giảm số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu. Với cách làm này, nếu thuận lợi thì trong năm 2016 chúng ta sẽ có giống tôm chân trắng dòng bố-mẹ chất lượng, mang thương hiệu Việt Nam được nhân rộng và đưa ra thị trường. Theo ông Phạm Anh Tuấn, chủ động được nguồn giống bố mẹ thì chúng ta sẽ giảm chi phí được 30%. Đồng thời, các doanh nghiệp, người nuôi sẽ chủ động được nguồn giống nhân tạo đảm bảo chất lượng, sạch bệnh - là cơ sở để có thủy sản thương phẩm chất lượng cao trong thời gian tới.

Cuộc chơi tốn kém

Để nghiên cứu và sản xuất được tôm bố mẹ là một sự tốn kém, cả về thời gian, công sức và tiền của. Ở Mỹ, để làm ra được sản phẩm tôm thẻ chân trắng, họ phải đầu tư hàng trăm triệu USD chứ không phải ít và phải kéo dài tối thiểu là 10 năm. Không chỉ có vậy, muốn làm được tôm bố mẹ cần phải có những người am hiểu về lĩnh vực này. Những đòi hỏi trên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được. Dưới sự “đỡ đầu” của một tổ chức khoa học của Úc, đến nay chỉ có duy nhất Tập đoàn Việt – Úc dám rút hầu bao đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu này.

Có ý kiến cho rằng, nước ngoài có giống, sao mình không nhập công nghệ về làm luôn cho nhanh? Thực tế không đơn giản như vậy. Những nước có giống họ thường không muốn bán hoặc chuyển giao giống tốt cho nước ta. Trong trường hợp họ đồng ý bán thì thường đòi giá cao hoặc tính theo tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, dẫn tới sự tốn kém không ít về tiền bạc. Ông Phạm Tuấn Anh đơn cử: “Trước đây, chúng ta đã có đàm phán với một viện hải dương học là “trùm” về tôm thẻ chân trắng. Họ đưa ra mức gần 5 triệu USD để mang tôm bố mẹ vào đánh giá, chứ chưa nói đến chuyện khác. 3 năm, mất 5 triệu USD”. Với khoản tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước cho ngành thủy sản, cả năm được khoảng 25 tỷ đồng đầu tư cho công tác nghiên cứu giống thì chưa đủ để thực hiện việc tưởng chừng như đơn giản kể trên. Thế nên, mới có chuyện có dự án về giống thủy sản được lập ra, doanh nghiệp chờ lâu quá không thấy triển khai đã nhảy vào xin làm thay. “Mảng tư nhân đầu tư nghiên cứu giống trong lĩnh vực thủy sản nhiều và chủ yếu là tư nhân làm, các viện, trường tham gia, đóng góp vào nghiên cứu vẫn còn ở mức khiêm tốn” – ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

   Hoạt động nghiên cứu còn bất cập

Theo ông Phạm Anh Tuấn, việc giống thủy sản chậm được đưa vào sản xuất một phần do đầu tư của Nhà nước cho phần nghiên cứu còn hạn chế và tổ chức vẫn theo phương thức “kiểu đề tài”. Đấy là cách tổ chức chưa chuẩn; bởi vì, làm giống phải lo dài hơi, chứ không thể làm theo đề tài 3 năm một. “Sau 3 năm, thì không biết có được làm hay không? Chỉ cần có ý kiến cho rằng nghiên cứu “mãi mà không thấy ra” thì lại bị dừng” - ông Tuấn nhấn mạnh. Bên cạnh đó, chủ nhiệm đề tài chỉ có trách nhiệm trong 3 năm. Dù có hoàn thành xuất sắc, nhưng nếu Nhà nước không đầu tư tiếp thì đàn giống được tạo ra từ đề tài ấy cũng “tan đàn xẻ nghé”. Trong trường hợp người khác làm chủ đề tài thì lại bắt làm theo cách mới, gây lãng phí không cần thiết. Vì thế, việc nghiên cứu này cần phải thay đổi theo hướng có lộ trình dài và giao cho một người chịu trách nhiệm mới đem lại kết quả nghiên cứu vào trong sản xuất được.