Dân Việt

Nhiều ý kiến trái chiều quanh việc xây “Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm“

04/12/2014 07:00 GMT+7
Những ngày qua, câu chuyện nên hay không xây dựng một tòa nhà tọa lạc ngay sát linh hồn của Thủ đô – hồ Hoàn Kiếm - với tên gọi "Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm", đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Đến nay, dự án mới chỉ nằm trên giấy, nhưng đã gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn, người làm văn hóa, lẫn các nhà quản lý...

Người dân có thêm địa chỉ đỏ về văn hóa

Dự án "Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm" do HĐND - UBND Quận Hoàn Kiếm đề xuất và là chủ quản đầu tư, còn chủ đầu tư là Ban Quản lý xây dựng công trình công ích Hoàn Kiếm. Công trình dự kiến có chiều cao 13,6m, gồm 3 tầng nổi và 1 tầng hầm.

Theo ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm – thì việc xây dựng công trình này tại số 2 phố Lê Thái Tổ sẽ giúp người dân có thêm địa chỉ đỏ về văn hóa. Tức là, đây sẽ là nơi cung cấp thông tin và giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về lịch sử Hà Nội, lịch sử Hồ Gươm và các danh nhân.

Trung tâm cũng sẽ là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá văn hóa cũng như giá trị của danh thắng đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Xuất phát từ mục đích này, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản gửi Sở VHTTDL. Ngày 27.11, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội Trương Minh Tiến đã ký công văn gửi Bộ VHTTDL, với nội dung đã nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra hiện trạng khu đất và thấy địa điểm xây công trình nằm ngoài chỉ giới khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm.

Như vậy cơ quan văn hóa của Hà Nội cho rằng chủ trương xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm tại số 2 phố Lê Thái Tổ của quận Hoàn Kiếm là hợp lý và đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét, cho ý kiến để UBND quận Hoàn Kiếm có cơ sở triển khai thực hiện.
img Phối cảnh của Dự án Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm.
Bộ chưa quyết, nhà nghiên cứu e dè

Sau khi nhận được văn bản đề nghị của Sở VHTTDL, Bộ VHTTDL đã có công văn gửi Cục Di sản văn hóa xem xét về dự án này. Theo Ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho cho biết sẽ thẩm định hồ sơ và làm đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc xây dựng các khối nhà quanh hồ Hoan Kiếm là vấn đề hệ trọng, nếu làm không cẩn thận sẽ phá vỡ cảnh quan, gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt việc làm này cần lấy ý kiến nhân dân và hợp lòng dân. “Hồ Gươm đang ngày càng bị thu hẹp không gian công cộng, trong khi những cảnh quan văn hóa ngày càng nghèo nàn.

Thế nên, việc thu hẹp không gian ở khu vực này cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Không có gì tốt bằng việc công khai chuyện xây dựng ở đây để xem tác động đến cảnh quan thế nào. Hà Nội cũng cần đưa việc này ra bàn thảo xung quanh việc nên lấy không gian ấy là một biểu trưng văn hóa hơn hay để làm một tòa nhà thì tốt hơn” - nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ trên Người Lao Động.

Ý kiến từ phía người dân

Công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm tại số 2 Lê Thái Tổ có kế hoạch khởi công vào cuối năm 2014 và dự tính đi vào khai thác vào giữa năm 2015. Thế nhưng dự án đã vấp phải sự phản đối của người dân. Ngày 11.11, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND TP.Hà Nội, ông Phạm Văn Đức (Tổ trưởng Tổ 1, phường Đồng Xuân) đã đề nghị không xây dựng công trình này vì lo ngại sẽ phá vỡ cảnh quan hồ Hoàn Kiếm và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Ngay khi các phương tiện truyền thông phản ánh sự việc, rất nhiều bạn đọc cũng đã gửi ý kiến và phần lớn đều không tán thành chủ trương xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm ngay cạnh “hòn ngọc” quý của Hà Nội.

“Nên làm vườn hoa là đẹp nhất, có không gian cho nhân dân vui chơi mỗi dịp lễ hội. Dân đến ngắm Hồ Gươm là để ngắm cảnh quan của hồ” – bạn đọc Anh Vũ cho biết.

“Tôi cũng đề nghị để làm vườn hoa, hay làm vườn cây để lấy bóng mát. Chỗ này đã đông đúc mà còn xây thêm một trung tâm tụ tập nữa thì càng đông đúc. Và thêm một ngôi nhà 3 tầng thì Hồ Gươm lại bé thêm một tí (như vành cối xay thêm 1 chiếc nêm)” – bạn đọc Dân Việt chia sẻ.