Ông là Đinh Trọng Lưỡng, 48 tuổi, thường trú ở xã Hóa Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Người nông dân ở xung quanh vùng đó khi nhắc đến ông Lưỡng, họ chỉ nói ngắn gọn: “Ông ấy giàu tiền và cũng rất giàu nghĩa!”.
Hạ sơn tìm kế sinh nhai
Ông Lưỡng bảo rằng, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa không phải là quê gốc của ông. Ông sinh ra ở xã Hồng Hóa, một xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Minh Hóa. Ngày đó gia đình ông là một trong những hộ nghèo nhất xã vì nhà ông đông người, ruộng đất không có. Nguồn sống của gia đình 9 miệng ăn ngày đó đều phụ thuộc vào những ngày tháng làm “lâm tặc” của mấy bố con ông trong rừng thiêng nước độc. Thế nhưng “rừng rú” ngày càng cạn kiệt, sức khỏe của bố ông cũng yếu dần vì lao động quá sức. Cuộc sống của gia đình càng trở nên bi đát…
Năm 1992, lúc 26 tuổi, ông Lưỡng lấy vợ. Nhà nghèo, nên hai vợ chồng ông được bố mẹ cho ra ở riêng với chỉ một mái nhà tranh dựng tạm bên bìa rừng. “Đêm đầu tiên ở riêng, hai vợ chồng tui nằm trong căn nhà tranh heo hút cạnh rừng mà không tài nào chợp mắt được. Không phải vợ chồng tui sợ ma hay thú rừng mà cứ nghĩ về một cuộc sống mà cả hai vợ chồng đều không nghề không nghiệp, không một tấc đất cắm dùi, thấy tương lai thiệt mờ mịt…” – ông Lưỡng kể.
Ở riêng được khoảng một tháng, hai vợ chồng ông Lưỡng quyết định dời nhà về xã Sơn Hóa của huyện Tuyên Hóa. Về vùng đất mới nhưng tình cảnh cũng không khá hơn, bởi lẽ dù không còn là nơi rừng thẳm nhưng Sơn Hóa cũng là một vùng đồi núi lụp xụp, đất đai cằn cỗi, dân cư thưa thớt. Thế nên, một mặt vợ chồng ông Lưỡng cặm cụi khai hoang đất trồng sắn, trồng khoai. Mặt khác ông Lưỡng lại phải trở lại với nghề khai thác lâm sản đắp đổi cuộc sống qua ngày. Thời gian đó vợ ông Lưỡng cũng liên tiếp sinh một mạch đến 4 đứa con nên cuộc sống gia đình ông đã khó khăn, càng chồng chất khó khăn…
Tay trắng dựng cơ đồ
Bây giờ vợ chồng ông Lưỡng đã có trong tay một cơ ngơi tiền tỷ gồm hệ thống trên 50 ô chuồng trại chăn nuôi lợn với 30 con lợn nái và 300 con lợn thịt luôn có trong chuồng; đồng thời là đại lý thức ăn chăn nuôi cho bà con nông dân trong vùng. Ông Lưỡng cho biết, hiện gia đình ông có doanh thu trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm ông lãi gần 300 triệu đồng. Ông Lưỡng bảo, với những gia đình nông dân như ông, thành quả đó là rất lớn. Nó được đổi bằng những kinh nghiệm máu xương, bằng sự chịu thương chịu khó và nghị lực vươn lên không biết mệt mỏi của vợ chồng ông.
Nhớ lại buổi đầu lập nghiệp, ông Lương kể, ngày đó vợ chồng ông chỉ có 2 bàn tay trắng. Năm 2007, ông bắt tay vào xây dựng trang trại và chọn nghề chăn nuôi lợn làm hướng chủ đạo. “Nói làm trang trại cho oai chứ thực ra lúc ấy vợ chồng tui cũng bắt đầu làm từ cái chuồng đơn giản nhất, lúc đầu thì thả 1 đến 2 con giống, sau thì tăng dần lên. Không có tiền để đầu tư nên vợ chồng tui chủ yếu bỏ sức để làm, từ xây chuồng đến nhà ở. Ban ngày làm không xong, vợ chồng tui thắp đèn làm cả đêm…” – ông Lưỡng nhớ lại.
Chuồng làm xong, ông Lưỡng vay bà con, Hội Nông dân những đồng vốn đầu tiên để mua giống về thả. Thế nhưng lứa lợn đầu tiên đó ông Lưỡng trắng tay, cụt cả vốn vì đàn lợn mắc phải dịch bệnh chết hết. Không bỏ cuộc, ông Lưỡng quyết định bỏ công đi học lớp sơ cấp thú y; các lớp kỹ thuật về chăn nuôi, cách phòng ngừa dịch bệnh cho lợn. Ngày đó, hễ nghe tin ở đâu có lớp tập huấn là ông Lưỡng cơm đùm gạo nắm đi học dù nhiều chỗ ông không được mời.
Sau khi ông Lưỡng “tầm sư học đạo” xong đã quyết định vay tiền ngân hàng trở lại với công việc chăn nuôi lợn còn dang dở. Lúc đầu vợ chồng ông Lưỡng đầu tư nuôi một con nái, sau khi con lợn nái đẻ, ông không bán mà để vậy nuôi lớn và bán lợn thịt. Cứ như vậy, sau mỗi đàn lợn nái và lợn thịt của ông Lưỡng mỗi ngày một tăng lên. Hệ thống chuồng trại của gia đình ông Lưỡng ngày càng được cải tiến theo công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động, đồng thời bảo đảm tốt vệ sinh môi trường…
“Giàu tiền và giàu nghĩa”
Đất không phụ công người, hoa của đất đã nở để đền ơn cho người- câu nói đó không biết ai nói nhưng áp với gia đình của ông Lưỡng thì rất đúng. Từ một gia đình thiếu ăn, đến nay qua bao năm vật lộn với mảnh đất nghèo này, gia đình ông Lưỡng đã có một cơ ngơi tiền tỷ. Nhưng với nhiều người nông dân nghèo ở trong vùng, ông Lưỡng không chỉ giàu tiền mà họ quý mến ông bởi cái nghĩa, cái tâm ông cũng rất giàu. Nhiều năm qua, ông Lưỡng đã đem những kinh nghiệm “máu xương” truyền hết cho những người nông dân nghèo mà không cần giấu giếm điều gì khi họ hỏi đến. Ông Lưỡng cũng cung cấp con giống, cho nhiều hộ nghèo mua chịu thức ăn để họ chăn nuôi lợn xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Riêng đối với địa bàn xã Sơn Hóa, cứ mỗi năm ông Lưỡng lại cho các hộ nghèo trong xã 12 con giống để họ làm vốn. Bao năm qua, số hộ nghèo trong xã được nhận giống lợn từ gia đình ông Lưỡng cứ thế mà nhân lên và không ít hộ nghèo nhờ sự trợ giúp đầy ý nghĩa này mà thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định.
Mỗi khi nhắc ông Lưỡng, ông Cao Đức Khiêm ở xã Sơn Hóa đều bảo đó là ân nhân của gia đình ông. Nhà ông Khiêm nghèo rớt mồng tơi vì đông con, ruộng đất không có. Nhờ ông Lưỡng hỗ trợ kỹ thuật, cho con giống ban đầu mà bây giờ ông Khiêm cũng đã có đàn lợn hàng chục con, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Còn ông Đinh Minh Hải ở xã Hồng Hóa (Minh Hóa) thì nói rằng: “Không chỉ cho gia đình tui con giống, cho nợ thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật mà khi con lợn bỏ ăn tui gọi bác Lưỡng thì lúc mô bác ấy cũng đến cả. Nhiều khi lúc đó đang là nửa đêm và quãng đường từ nhà bác ấy vào đây hơn 40km nhưng có khi mô bác ấy lấy của tui đồng tiền công nào đâu. Cái tình và cái nghĩa của bác ấy đối với vợ chồng tui thiệt là lớn”.
Ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa không giấu được niềm tự hào khi nói về ông Lưỡng: “Không chỉ là một nông dân biết vượt khó vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất nghèo khó của quê hương, đáng quý hơn là nhiều năm qua ông Lưỡng đã giúp đỡ hàng trăm hộ nghèo trong xã, trong huyện vươn lên thoát nghèo. Ông Lưỡng là một tấm gương về nghị lực vượt khó và cái tâm biết sẻ chia để nhiều nông dân khác trong huyện học tập”.