Dân Việt

Viện phí - Nhiều bệnh viện đã “vượt rào”

11/05/2011 12:54 GMT+7
(Dân Việt) - "Ngành y tế vẫn thường xuyên thanh kiểm tra. Đối với những đơn vị “làm giá quá cao”, chúng tôi đều nhắc nhở họ...", Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết.

Về việc một số bệnh viện, cơ sở y tế tự ý tăng giá một số dịch vụ khám chữa bệnh, Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Trung - Chánh Thanh tra Bộ Y tế.

Ông Trung cho biết: Hiện một số cơ sở y tế tăng giá một vài dịch vụ, nhưng đó là dịch vụ theo yêu cầu và có thỏa thuận với người bệnh. Ví dụ việc áp dụng một số kỹ thuật cao như sử dụng dao mổ không chảy máu chẳng hạn.

Hay tiền lưu trú tại BV: Khi bệnh nhân có điều kiện kinh tế, họ sẽ muốn nằm tại các phòng tiện nghi hơn. Giờ tiền điện, tiền nước tăng, các cơ sở y tế phải tăng giá phòng chứ không thể không tăng được. Dưới một góc nhìn nào đó, việc xuất hiện các dịch vụ trong BV cũng là phục vụ nhu cầu người bệnh và chính người bệnh được hưởng lợi từ điều đó.

Việc tăng giá này có bắt buộc theo một quy định nào, hay các cơ sở y tế thích tăng thế nào thì tăng, thích giảm thế nào thì giảm, thưa ông?

- Tôi biết có một số cơ sở xin phép các sở y tế trực thuộc và UBND địa phương trực thuộc đàng hoàng. Tuy nhiên, theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP về giao quyền tự chủ cho các giám đốc BV, thì giá những dịch vụ đó giám đốc BV có quyền quyết định, miễn sao đáp ứng được mọi loại bệnh nhân, giàu có, nghèo có và phải có thỏa thuận trước với bệnh nhân.

Vậy những dịch vụ nằm trong khuôn khổ BHYT thì có được phép tự ý tăng giá không, thưa ông?

- Trong khuôn khổ BHYT thì do BHYT chi trả, BV có muốn tăng, BHYT cũng không bao giờ thanh toán cho họ. Hiện nay, phần đông người dân đi BV đều có thẻ BHYT, vì thế những dịch vụ liên quan đến BHYT không có gì thay đổi. Tuy nhiên, nếu chính bệnh nhân muốn các dịch vụ cao hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế nhà mình thì họ sẽ thanh toán phần kinh phí đó ở ngoài. Ví dụ anh A có thẻ BHYT với mức được thanh toán tiền lưu trú là 10.000 đồng/ngày, nhưng anh thích nằm giường bệnh với giá 200.000 đồng/ngày thì anh phải trả phần chênh lệch kia cho BV.

Còn viện phí, giá khám bệnh ban đầu… tức là những khoản Nhà nước quy định rập khuôn cho các BV thì sao, thưa ông?

- Viện phí thì không ai vi phạm và họ cũng không dại gì vi phạm. Tất cả những khoản “đội giá” đó đều nằm trong các dịch vụ như tôi đã nói ở trên.

Như thế có nghĩa bài toán giá cả tại BV có vẻ không kiểm soát được?

- Ngành y tế vẫn thường xuyên thanh kiểm tra. Đối với những đơn vị “làm giá quá cao”, chúng tôi đều nhắc nhở họ. Xử phạt hay không còn phụ thuộc vào việc họ có vi phạm luật hay không. Còn để họ tăng theo nhu cầu bệnh nhân, tăng thêm quyền lợi cho người bệnh, nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên, phát triển BV, cơ sở y tế theo hướng hiện đại, xét cho cùng cũng là tất yếu mà thôi.

Xin cảm ơn ông!