Dân Việt

Nông dân sáng tạo được hỗ trợ nhỏ giọt

Hồng đức 05/12/2014 06:54 GMT+7
Cho dù cơ chế “liên kết 4 nhà” đã có từ hơn 12 năm trước, giữa Bộ Khoa học - Công nghệ và Hội Nông dân Việt Nam đã có chương trình phối hợp, nhưng vốn hỗ trợ cho nông dân sáng tạo và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn rất nhỏ giọt.

Đây là ý kiến của một số đại biểu tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) với Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) năm 2014, tổ chức tại TP.Thanh Hóa (ngày 4.12). Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Khánh, ông Hoàng Văn Hoằng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, cùng đại diện các Sở KHCN, Hội ND của hơn 30 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc.

Hỗ trợ... nhỏ giọt

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc tổ chức thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội ND với Sở KHCN chưa thường xuyên, kinh phí cho thực hiện chương trình còn thấp. Việc lồng ghép hoạt động KHCN với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua của Hội ở một số địa phương chưa được quan tâm. Tài liệu tuyên truyền phổ biến kiến thức về KHCN chưa đáp ứng được nhu cầu, kết quả còn hạn chế.

img
Ông Ngô Thái Nguyên, nhà sáng chế máy xử lý rác thải nông thôn ở xã Hải Bình (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) 
chưa từng nhận được bất cứ hỗ trợ nào để thực hiện nghiên cứu.  H.Đ
Còn theo ông Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái, thời gian qua, Hội ND tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Sở KHCN tỉnh tổ chức cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, công nghệ. Nhiều sáng tạo của ND đã được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá cao, như: Đề tài “Xử lý chất thải rắn” của ông Nguyễn Văn Song - hội viên ND xã Tân Thịnh (huyện Văn Chấn); đề tài “Cải tiến máy băm sắn hiệu quả cao” của ông Tấn Trọng Đức; hay sáng tạo của ông Bùi Sỹ Tới - hội viên ND xã Nạm Búng, huyện Trấn Yên tự chế máy cày bừa từ động cơ xe máy…

 

Tuy nhiên, vốn hỗ trợ cho nông dân sáng tạo, áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, phát triển kinh tế đang rất nhỏ giọt. Ông Độ đề nghị T.Ư Hội NDVN, Bộ KHCN cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, văn bản pháp quy… có liên quan đến lĩnh vực KHCN; tiếp tục hỗ trợ vốn cho Hội ND các cấp xây dựng các mô hình trình diễn phổ biến khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nhân rộng đề tài; bố trí vốn từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh cho các chương trình đề tài, dự án của Hội.

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN đánh giá: Hiện nay, hợp tác giữa Hội NDVN với Bộ KHCN đã có một số hiệu quả thiết thực. Gương điển hình tiên tiến, ND giỏi ngày càng nhiều. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đang được nhân rộng. Tuy nhiên, vấn đề về hợp tác giữa ND và nhà khoa học chưa phát huy hiệu quả cao. Vấn đề hỗ trợ vốn cho “nhà nông sáng tạo” chưa sát với nhu cầu vốn cũng như công sức của họ bỏ ra với công trình của mình. Các cấp Hội cơ sở và các ngành liên quan vẫn chưa có cách tuyên truyền sáng tạo để người dân hiểu và làm theo.

Kéo gần lại nhà khoa học - nhà nông

Quan điểm

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Khánh
  Thời gian tới, hai bên cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đăng ký nhãn hiệu độc quyền của người nông dân để lưu thông hàng hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu”. 
Tham gia thảo luận tại hội nghị, ông Lê Đình Nghĩa- Chủ tịch Hội ND xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho rằng: Đối với hiệu suất ứng dụng tiến bộ KHKT vào thực tiễn sản xuất, người nông dân đang còn nhiều khó khăn về đồng vốn đầu tư, cũng như thiếu sự tự tin và thói quen sản xuất tự cấp, tự túc, nên hiệu suất ứng dụng chưa cao. Bên cạnh đó, hiện nay, mối liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) chưa thực sự gắn kết. Sản phẩm do người ND làm ra chưa được bảo vệ. Vấn đề bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp cho ND chưa đạt hiệu quả bền vững.

 

Từ góc nhìn doanh nhân, ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) cũng cho rằng, mối liên kết 4 nhà đến nay vẫn chưa thực sự gắn kết. “Bộ KHCN, Hội NDVN và các doanh nghiệp cần có sự liên kết, phối hợp tốt hơn nữa để tháo gỡ được những vướng mắc và tồn tại này” - ông Phong kiến nghị.

Ghi nhận những kết quả tích cực đã đạt được giữa Hội NDVN và Bộ KHCN, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Khánh cũng thẳng thắn nhìn nhận: Hợp tác giữa Hội ND các cấp với Sở KHCN cũng như T.Ư Hội NDVN với Bộ KHCN vẫn còn những tồn tại, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết của nông dân để áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Do đó, nếu các ngành, Hội ND các cấp cần đặt hàng áp dụng KHKT, thì cứ đề xuất tới Bộ KHCN, Bộ sẽ tạo điều kiện, đấu nối với các ngành có liên quan để giúp người ND.

Theo Bộ KHCN, năm 2014, thông qua chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, giai đoạn 2011-2015 (Quyết định 1831/QĐ-TTg), Bộ KHCN đã hỗ trợ các địa phương triển khai và thực hiện 44 dự án, tổng kinh phí hơn 260 tỷ đồng; trong đó vốn từ ngân sách sự nghiệp KHCN hơn 103 tỷ đồng.

   Định hướng phối hợp giữa Bộ KHCN và Hội NDVN:

- Phối hợp giữa Hội ND các cấp với Sở KHCN ở địa phương cần hướng đến tận Hội ND xã. 
- Khắc phục kiểu làm theo phong trào, cần tập trung nghiên cứu, nhân rộng mô hình tiên tiến đã có hiệu quả của ND giỏi. 
- Quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đăng ký nhãn hiệu độc quyền của người ND để lưu thông hàng hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.
- Đẩy mạnh tuyên truyền cho ND, đánh giá chương trình phối hợp giữa sở KHCN và Hội ND các cấp.