Ngày 4/12, tờ ChinaNews của Trung Quốc đưa tin tổng cộng 3.675 nhà dân và hơn 4.000 ngôi mộ đã phải di dời trong vòng một năm để hải quân nước này xây dựng căn cứ cho chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh ở Thanh Đảo.
Ông Li Wen, chỉ huy trưởng công trình xây dựng căn cứ tàu sân bay Liêu Ninh cho hay nhà chức trách Trung Quốc còn phải yêu cầu hơn 500 tàu cá hoạt động trong khu vực cảng biển này di chuyển tới chỗ khác. Mọi công việc di dân, tái định cư đều được hoàn tất chỉ trong vòng 1 năm.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Ông Li Wen nói rằng việc giải phóng mặt bằng và buộc hàng ngàn hộ dân phải chuyển đi nơi khác là phần dễ dàng nhất trong dự án, đồng thời tuyên bố hoạt động xây dựng căn cứ cho tàu Liêu Ninh rất được sự ủng hộ của người dân địa phương.
Hiện các công nhân xây dựng đang xây những bờ kè chắn sóng để bảo vệ căn cứ của tàu Liêu Ninh khỏi những cơn bão lớn.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 3/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định căn cứ mới của tàu Liêu Ninh sẽ bao gồm những nhà kho cực lớn để chứa số tên lửa và đạn dược mà con tàu này cần đến trong huấn luyện và các hoạt động quân sự tương lai.
Tàu Liêu Ninh là chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào hoạt động từ năm 2012. Đây thực chất là phiên bản cải hoán của một tàu sân bay thanh lý được Trung Quốc mua của Ukraine vào năm 1998.
Tàu sân bay Liêu Ninh đã được Trung Quốc điều xuống Biển Đông hồi năm ngoái để thực hiện các bài huấn luyện, diễn tập chiến đấu với hy vọng con tàu này sẽ trở thành một con “át chủ bài” của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng.
Mặc dù vậy, tàu Liêu Ninh vẫn bị các chuyên gia phân tích đánh giá chỉ là “hổ giấy” bởi những công nghệ lạc hậu, các hệ thống điện tử và vũ khí trên tàu còn kém xa so với trang bị của tàu sân bay Mỹ.