Dân Việt

Hành trình “ngã ngựa” của trùm an ninh TQ Chu Vĩnh Khang

Nguyễn Nhung (Tổng hợp) 07/12/2014 21:29 GMT+7
Việc ông Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, một trong những nhân vật cấp cao nhất trong chính phủ Trung Quốc bị bắt giữ và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản nước này là kết quả đã được dự báo từ lâu. Song đây vẫn là thông tin gây sốc với dư luận trong và ngoài nước, và người ta đặt câu hỏi về quá trình sa hố của nhân vật cấp cao này.
Rạng sáng ngày 6/12, hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương đã chính thức bị bắt giữ và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc với một loạt tội danh, trong đó nghiêm trọng nhất là tội nhận hối lộ và tiết lộ bí mật quốc gia.

img

Ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị TQ chính thức bị bắt và khai trừ khỏi Đảng.

Lần cuối cùng ông Chu Vĩnh Khang xuất hiện trước công chúng là tại một buổi họp lớp được tổ chức vào ngày Quốc khánh 1/10 năm ngoái tại Đại học Dầu khí Trung Quốc. Sau đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho hay ông này đã bị giam lỏng tại nhà từ tháng 12 đến nay.

Vào ngày 29/7, Trung Quốc công khai tuyên bố mở cuộc điều tra chính thức đối với cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, quan chức cao cấp nhất nước bị rơi vào vòng lao lý trong hàng chục năm trở lại đây.

Trước đó, dư luận Trung Quốc đã lờ mờ đoán ra điều gì sẽ đến với Chu Vĩnh Khang sau khi một loạt thông tin về những vụ “chặt vây cánh” của ông trùm an ninh này xuất hiện trên báo chí.

Chiến dịch hạ bệ Chu Vĩnh Khang được thực hiện dần dần bằng cách bóc từng lớp một những quan chức thân tín. Đầu tiên là những quan chức ở Tứ Xuyên, sau đó là những trợ thủ của ông Chu trong ngành dầu khí. Tiếp đến, cơ quan an ninh bắt giữ con trai và con rể của ông này, và cuối cùng là những cố vấn cấp cao, trợ lý riêng của ông Chu.

Kết quả là hơn 480 quan chức trên khắp Trung Quốc đã trở thành những “con ruồi” bị vướng vào tấm lưới công lý do cơ quan điều tra chống tham nhũng giăng ra.

Trước đó, Chu Vĩnh Khang từng là một trong những nhân vật quyền lực nhất tại Trung Quốc, kiểm soát mọi lĩnh vực trong ngành an ninh nội địa và có quan hệ sâu rộng với các quan chức trong lĩnh vực dầu khí. Ông từng là Ủy viên Bộ chính trị cho tới năm 2012.

img

Chu Vĩnh Khang  và cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai.

Quyền lực đã mang tới cho Chu Vĩnh Khang cùng người thân những lợi ích to lớn, tuy nhiên đây cũng chính là bằng chứng chống lại ông trước cơ quan điều tra. Theo kết quả điều tra, ông Chu Vĩnh Khang đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo mật, tổ chức và chính trị của Đảng.

Không những thế ông này còn lợi dụng chức quyền để tư lợi các nhân, nhận những khoản tiền bất hợp pháp một cách trực tiếp hoặc thông qua các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, ông cũng bị cáo buộc sử dụng ảnh hưởng quyền lực của mình để giúp người thân, bạn bè kiếm lợi bất chính từ các hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của nhà nước. Ông Chu Vĩnh Khang còn được cho là sử dụng quyền lực của mình để quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ.

Mặc dù tin đồn về số phận của cựu Ủy viên Bộ Chính trị này đã được đồn đoán trong thời gian qua, nhưng việc Chu Vĩnh Khang đầu tiên bị truy tố sau đó bị bắt và khai trừ khỏi Đảng đã đưa dư luận đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, bởi dù sao đây trước đây, chưa từng có tiền lệ rằng một ủy viên Bộ Chính trị cho dù đang đương chức hay đã về hưu bị đem ra soi xét trước công lý.

Chiến dịch điều tra nhằm vào ông Chu Vĩnh Khang được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt quan chức của Trung Quốc rơi vào bị điều tra và bắt giữ trong chiến dịch “đả hổ, bắt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước.