Cà phê, cao su giảm nhẹ
Niên vụ 2011-2012, ngành cà phê của Việt Nam đạt kỷ lục mới về sản lượng lẫn giá trị. Số liệu của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho thấy, sản lượng cà phê ước đạt trên 1,6 triệu tấn, xuất khẩu 10 tháng đầu năm đạt 1,5 triệu tấn nhân với kim ngạch 3,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Vicofa dự báo: “Sản lượng cà phê niên vụ tới dự báo sẽ giảm. Nguyên nhân là do diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ cao (trên 20 năm), khoảng gần 50% tổng diện tích trồng cà phê hiện nay của cả nước. Đồng thời, năm nay việc tái canh cây cà phê được bà con nông dân quan tâm triển khai, do vậy sản lượng cà phê cũng giảm theo diện tích tái canh này”.
Dự báo lượng cao su xuất khẩu năm 2013 chỉ khoảng 1 triệu tấn. |
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu cao su cũng được dự báo sẽ giảm trong năm 2013 do giá có thể tiếp tục đà giảm trong năm tới. Theo bà Trần Thị Thúy Hoa - Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam: “Lượng cao su trong năm 2013 tăng do doanh nghiệp VN đầu tư ở Lào đã bắt đầu được khai thác, song nhiều DN sẽ chọn xuất khẩu trực tiếp từ Lào vì chi phí vận chuyển về VN để tạm nhập tái xuất rất lớn. Chính vì vậy, dự báo lượng xuất khẩu năm 2013 cũng chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn”.
Khó cho hồ tiêu
Một loại nông sản khác đạt được thành tích nổi bật trong những năm qua là hồ tiêu. Theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, trong 10 tháng của năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 99.000 tấn hồ tiêu, giá trị thu về 682 triệu USD, giảm 11,4% về lượng nhưng lại tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tính toán, tổng nguồn cung hồ tiêu năm 2012 của Việt Nam vào khoảng 115.000 - 120.000 tấn; tiêu thụ trong nước khoảng 5.000 tấn nên lượng xuất khẩu năm 2012 ước đoán 110.000-115.000 tấn.
Tuy nhiên, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế lại tỏ ra lo ngại rằng, tiêu thụ nội địa của Việt Nam rất thấp, chỉ 4.700 tấn/năm, nên gần như toàn bộ sản lượng tiêu của Việt Nam phải xuất khẩu. Trong khi đó nhu cầu thương mại tiêu toàn thế giới chỉ ở mức 200.000 tấn/năm, nếu sản lượng tiêu của Việt Nam đạt 150.000 tấn thì sẽ vô cùng khó khăn trong tiêu thụ, nguy cơ hạt tiêu sẽ rớt giá trong vài năm tới.
Cần giải pháp phù hợp
Theo các chuyên gia nông nghiệp, dù nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang đứng đầu thế giới nhưng sức cạnh tranh và vị thế của chúng trên thị trường thế giới rất yếu. Nguyên nhân là Việt Nam chủ yếu chạy theo số lượng và không có một chiến lược rõ ràng đối với xuất khẩu nông sản nói chung và từng ngành hàng cụ thể nói riêng.
Theo ông Đỗ Hà Nam: “Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để bảo hộ cho thương hiệu nông sản VN. Chính phủ cần xúc tiến thương mại mạnh mẽ vào thị trường lớn và khó tính như Mỹ, châu Âu… để tạo điều kiện cho các DN nông sản Việt có cơ hội thâm nhập. Chiếm lĩnh được thị trường khó tính, các thị trường còn lại sẽ không còn khó khăn nữa”.
Cũng theo ông Nam, Bộ NNPTNT cần nắm rõ những yêu cầu từ thị trường, đồng thời truyền tải đầy đủ và xuyên suốt cho các DN và nông dân trực tiếp sản xuất. Ví dụ như để hồ tiêu và cà phê giữ thế cạnh tranh tốt, cần tuân thủ quy trình sản xuất về thuốc trừ sâu, phân bón, kiểm tra… Ngoài ra, Nhà nước nên tạo điều kiện để các đơn vị xuất khẩu mặt hàng nông sản Việt Nam vay xuất khẩu bằng USD bởi hiện tại nhiều DN phải vay bằng VND nên chịu lãi suất rất cao.
Quốc Hải