Nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh, Zhang Lifan cho rằng cáo buộc này có thể nhằm mở đường cho một phiên tòa kín để xét xử ông Chu.
"Ở Trung Quốc, rất khó để xác định như thế nào là bí mật quốc gia. Với tư cách là cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị, bất kỳ điều gì ông Chu vô tình nói với bất cứ ai xung quanh cũng có thể coi là "bí mật nhà nước", SCMP dẫn lời ông Zhang, nhận định.
Với cáo buộc tiết lộ bí mật quốc gia, có thể phiên tòa xử ông Chu sẽ không công khai, trái ngược với trường hợp của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ông Bạc năm ngoái bị kết án tù chung thân vì hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Ông Zhang nhận định rằng khi xét xử công khai, "nếu ông Chu không muốn hợp tác với các cơ quan chức năng, ông có thể gây rắc rối cho các lãnh đạo trung ương".
Chen Daoyin, từ Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, phán đoán rằng những bí mật nhà nước báo cáo đề cập tới có thể là "một số thảo luận nội bộ về một cuộc cải tổ nhân sự sắp tới trong Bộ Chính trị Trung Quốc".
"Ông Chu có thể đã sử dụng vị trí của mình để làm rò rỉ một số thông tin cho cán bộ, ứng viên, hoặc thậm chí là truyền thông nước ngoài, nhằm thao túng một cuộc cải tổ lãnh đạo đảng", ông Chen nói.
Ông Zhang cho biết ông Chu có thể đối mặt với án tử hình hoặc án tử hình treo.
Các nhà phân tích khác cho rằng mức án cao nhất ông Chu có thể phải đối mặt là tử hình treo. "Giới lãnh đạo Trung Quốc trong vài thập kỷ qua đều hiểu rằng hình phạt tối đa đối với các quan chức cấp cao tham nhũng là một bản án tử hình hoãn thi hành", giáo sư khoa học chính trị Zhang Ming tại Đại học Nhân dân cho biết.
Với án tử hình treo, phạm nhân sẽ được hoãn thi hành án khoảng 2 năm. Nếu không có sai phạm trong vòng hai năm này, án sẽ giảm xuống tù chung thân hoặc nếu cải tạo tốt, có thể giảm xuống án tù có thời hạn.
Chu Vĩnh Khang từng là người đứng đầu tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và giữ chức bộ trưởng công an trước khi được bầu vào Bộ Chính trị. Ông về hưu trong một cuộc chuyển giao quyền lực năm 2012. Ông Chu hiện là thành viên cấp cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc bị điều tra kể từ sau khi "Bè lũ bốn tên", trong đó có vợ của Mao Trạch Đông, bị xét xử năm 1980.