Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine là quốc gia thứ 2, sau Nga, được kế thừa nhiều công nghệ quốc phòng nhất để phát triển các hệ thống vũ khí. Theo một thống kê, Kiev nắm giữ khoảng 30% nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô khi Liên bang Xô Viết tan rã vào năm 1991. Không ít nhà máy chế tạo máy bay, tàu chiến, xe tăng Liên Xô nằm trên lãnh thổ Ukraine.
Bên trong nhà máy xe bọc thép Kiev của Ukraine.
Ví dụ như hãng chế tạo máy bay nổi tiếng Antonov – nơi sản sinh ra các vận tải cơ khổng lồ An-124, An-225; cục thiết kế Kharkiv Morozov (“cha đẻ” xe tăng nổi danh T-54/55, T-62, T-64, T-72, T-80); nhà máy sản xuất xe tải hạng nặng chuyên dụng KrAZ; nhà máy Kiev Arsenal, Cục thiết kế Yuzhnoye - nơi thiết kế các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của Liên Xô.
>> “Đột nhập” thủ phủ chế tác xe bọc thép khủng của Ukraine
Trước đây, đặc biệt, Ukraine nắm nhiều công nghệ quan trọng liên quan đến hệ thống dẫn đường cho tàu ngầm, công nghệ radar, cùng các công nghệ dẫn đường tiên tiến cho tên lửa.
Dàn xe thiết giáp BTR-4 do Kharkiv Morozov sản xuất.
Khu phức hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine được đánh giá tiên tiến nhất của quốc gia này, bao gồm 85 tổ chức khoa học tập trung cho việc phát triển các hệ thống vũ khí phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Việc phát triển các hệ thống phức tạp trên không và không gian vũ trụ có 18 viện thiết kế và 64 doanh nghiệp sản xuất, phát triển vũ khí và tàu chiến cho hải quân có 15 viện nghiên cứu và phát triển, 40 viện thiết kế và 67 doanh nghiệp, tên lửa, đạn dược và các thiết bị liên quan có 6 văn phòng thiết kế và 28 nhà máy sản xuất.
Công nghiệp quốc phòng Ukraine có nhiều thế mạnh trong phát triển các loại động cơ dùng cho máy bay và tàu chiến, xe tăng nhất là công nghệ động cơ tuabin khí. Kiev cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các loại tên lửa đối không, xe tăng và radar.
Xe thiết giáp KrAZ Spartan mua của Canada.
Một số lĩnh vực của công nghiệp quốc phòng Ukraine được sản xuất theo công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay như: Tên lửa hành trình, vệ tinh và các thiết bị nghiên cứu vũ trụ, các hệ thống tên lửa đối không tích hợp và các thiết bị quang học chính xác.
Thực sự thì Ukraine nắm trong tay nhiều công nghệ quốc phòng đáng mơ ước nhất trên thế giới. Nhưng những biến động chính trị, đấu đá phe phái, xung đột, khủng hoảng kinh tế dường như đang khiến nền công nghiệp quốc phòng có thể xem là hàng đầu thế giới suy tàn.
Một minh chứng rõ ràng nhất là từ việc xuất khẩu vũ khí, Ukraine lại đang đi nhập khẩu không ít loại trang bị mà nước này tự thân hoàn toàn có thể chế tạo. Điển hình là trường hợp xe thiết giáp KrAZ Spartan – Ukraine đã phải mua giấy phép sản xuất từ tập đoàn Streit của Canada để chế tạo loại xe này trong nước để phục vụ cho các cuộc giao tranh ở miền Đông.
Những chiếc xe thiết giáp đa năng KrAZ Spartan đầu tiên đã được chuyển giao cho Ukraine trong năm 2014, khoảng 21 chiếc đang được sử dụng bởi Vệ binh quốc gia Ukraine hoạt động ở miền Đông.
Máy bay huấn luyện chiến đấu L-15 mà Ukraine đang ngắm nghía.
Bên cạnh đó, vào khoảng tháng 9-10/2014, chính quyền Ukraine đã đề nghị mua 90 xe thiết giáp hạng nhẹ IVECO LMV từ công ty Iveco của Italy (đã được chấp thuận). Ngoài ra, Ukraine cũng sẵn sàng nhận các xe thiết giáp hạng nhẹ Humvee đã qua sử dụng từ Mỹ.
Lưu ý rằng, trước đây thì rất nhiều các sản phẩm xe thiết giáp của Ukraine như BTR-3/4 được xuất khẩu tới không ít quốc gia, số lượng tới hàng trăm chiếc. Nhưng giờ đây, nước này lại phải đang đi mua lại các xe thiết giáp phương Tây.
Ngoài xe Humvee, Mỹ cung sẽ cung cấp cho Kiev các hệ thống radar định vị pháo binh, áo giáp chống đạn, ca nô cao tốc, ống nhòm.
Thất vọng nhất, Ukraine gần đây còn ngỏ ý với Trung Quốc về việc mua giấy phép sản xuất máy bay huấn luyện chiến đấu/cường kích hạng nhẹ L-15 – một sản phẩm được cho là sao chép Yak-130 Nga.
Tại triển lãm Chu Hải 2014, quan chức Ukraine cho biết, máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc có thể trang bị hệ thống điện tử, radar và vũ khí do Ukraine sản xuất. Như vậy, nước này có thể có được máy bay cường kích với giá hợp lý để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến đấu khi cần thiết tại miền đông, mà không cần sử dụng máy bay giống như MiG-29, Su-27, Su-25 của Không quân Ukraine.
Cũng lại lưu ý rằng, trước đây thì Ukraine là nhà cung cấp các công nghệ quân sự hàng đầu cho Trung Quốc. Điển hình như là việc bán mẫu thử tiêm kích hạm Su-33 (trên cơ sở đó giúp Trung Quốc tạo ra J-15), bán các hệ thống cáp hãm đà tàu sân bay, bán động cơ hàng không cũng như là hỗ trợ phát triển, bán và giúp chế tạo siêu tàu đổ bộ đệm khí Zubr... nhưng giờ đây Ukraine lại đang phải đi mua lại những công nghệ sao chép của Trung Quốc.