Dân Việt

Thụy Điển “săn” tàu ngầm hay “săn” ngân sách quốc phòng?

23/10/2014 09:26 GMT+7
Nhiều nhà quan sát Nga nhận định, mục đích thực sự của chiến dịch tìm kiếm đặc biệt của Thụy Điển không phải tìm cho ra tàu ngầm.

img

Thụy Điển đã tổ chức một chiến dịch quy mô lớn để tìm kiếm chiếc tàu ngầm lạ. (Nguồn: AP)

Trong những ngày qua các phương tiện truyền thông ở Thụy Điển và nhiều nước "sôi sục" vì sự kiện tàu ngầm lạ được cho là có xuất xứ từ Nga "lảng vảng" gần vùng lãnh hải quần đảo Stockholm.

Một chiến dịch săn tàu ngầm rầm rộ được các lực lượng vũ trang Thụy Điển tiến hành. Và sau nhiều ngày, mặc dù chưa tìm được “đối tượng tình nghi” nhưng quân đội Thụy Điển vẫn gọi đây là chiến dịch thành công.

Bộ Ngoại giao Latvia ngày 21.10 cũng bày tỏ lập trường ủng hộ Thụy Điển khi nêu quan ngại về hoạt động ngầm ở khu vực ven bờ Stockholm.

Câu chuyện bắt đầu từ bức ảnh trên facebook của một cô gái Thụy Điển tên Anna Berlin chụp khi đang đi du lịch cùng bạn bè ở ngoại ô Stockholm.

Bức ảnh mà cô gái chụp được cho thấy hình ảnh dường như có một chuyển động lạ ở khu vực mặt nước gần quần đảo Stockholm. Hình ảnh này đã làm dậy sóng cộng đồng mạng, và cơ quan quốc phòng Thụy Điển ngay lập tức chú ý bức ảnh và bắt tay tìm hiểu.

Nguồn tin từ một đơn vị đánh chặn tín hiệu vô tuyến tiết lộ cho truyền thông địa phương về việc thu được tín hiệu phát ra từ đối tượng ngầm gửi về một căn cứ ở Kaliningrad, cho rằng đó là tín hiệu mà Hải quân Nga thường dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Phía Thụy Điển kết luận là đối tượng tình nghi đã gặp phải một tai nạn nên đã gửi tín hiệu cầu cứu. Chiến dịch tìm kiếm quy mô diễn ra nhiều ngày sau đó nhưng chưa mang lại kết quả nào, mặc cho những tuyên bố quyết tâm từ phía lãnh đạo lực lượng vũ trang Thụy Điển.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra các vụ việc ồn ào giữa hai quốc gia láng giềng Nga-Thụy Điển. Stockholm đã nhiều lần cáo buộc các máy bay Nga xâm phạm không phận nước này. Một sự việc nghiêm trọng tương tự cũng đã diễn ra vào đầu thập niên 1980.

Khi đó Stockholm đã chỉ đích danh một tàu ngầm điện-diesel mã hiệu S-363 của Liên Xô đã xâm phạm lãnh hải Thụy Điển.

Lần này, kết quả của chiến dịch tìm kiếm đặc biệt lớn trong mấy ngày qua ngoài những tín hiệu hoài nghi, Stockholm không có bất kỳ thông tin nào cụ thể để chỉ ra sự xâm phạm nếu có từ phía quốc gia láng giềng.

Truyền thông địa phương mặc dù rất sôi sục với hiện tượng tàu ngầm nhưng không nêu đích danh mà chỉ gọi là đó là phương tiện của “quốc gia nước ngoài.” Thậm chí truyền thông địa phương và cộng đồng mạng cũng tranh cãi về khả năng đó là một tàu ngầm mini hay tàu ngầm cỡ lớn như một tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Trong một tuyên bố ngày 21.10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Lầu Năm Góc không nhận được bất kỳ yêu cầu trợ giúp nào từ phía Thụy Điển. Điều đó có nghĩa là Stockholm sẽ tiếp tục các nỗ lực một mình với khả năng chống ngầm hạn hẹp của mình.

Nếu giả thuyết tàu ngầm đó là của Nga thì có lẽ Lầu Năm Góc hiểu hơn ai hết về mức độ bí mật trong hoạt động của các loại tàu ngầm Nga, bao gồm tàu ngầm mang vũ khí chiến lược, bởi trước đó nhiều lần người Mỹ đã “phát hoảng” khi phát hiện thấy tàu ngầm hạt nhân Nga bất thình lình nổi lên ở vùng biển ngay sát nách họ.

Nói về các tàu ngầm mini thì mức độ hoạt động bí mật lại càng cao hơn. Nhưng Bộ Quốc phòng Nga đã khẳng định là trong lực lượng của họ không có phương tiện như vậy. Trong khi đó, tất cả các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra đều ở trong trạng thái bình thường. Cơ quan này cũng nêu nghi ngờ về tàu ngầm mà Thụy Điển đang tìm kiếm nhiều khả năng là của Hà Lan.

Bất chấp không đạt kết quả cụ thể nào, chiến dịch tìm kiếm quy mô nhất từ trước tới này của quân đội Thụy Điển vẫn được tiếp tục.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, người chỉ huy chiến dịch này của Bộ Quốc phòng Thụy Điển, Chuẩn Đô đốc Anders Grenstad đưa ra một tuyên bố chung chung: “Đó là một tàu ngầm, có thể là loại hạng nhẹ, nhưng cũng có thể đó là một thiết bị lặn chuyên dụng có chân vịt.”

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng thì khẳng định “đây là chiến dịch thành công, mặc dù chưa xác định được đối tượng tìm kiếm.” Và chiến dịch sẽ vẫn được kéo dài trong vài ngày tới.

Các nhà quan sát của tờ báo Nga Rossaya Gazeta nhận định, mục đích thực sự của chiến dịch tìm kiếm đặc biệt này không phải tìm cho ra tàu ngầm, mà có thể, mục tiêu chính là đạt được quyết định tăng ngân sách quốc phòng.

Theo họ, cần phải nhìn nhận vấn đế từ một năm về trước, lúc mà Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển khi đó đưa ra một tuyên bố gây tranh cãi rằng trong trường hợp bị tấn công, Thụy Điển chỉ có thể cầm cự được trong thời gian không quá một tuần.

Giới chuyên gia nước này đã thực hiện nhiều báo cáo nghiên cứu và đi đến một kết luận là cần phải tăng cường chính sách quốc phòng và tăng chi ngân sách cho quân đội. Tuy nhiên, các bước đi để đưa chính sách vào cuộc sống vẫn chưa có.

Và hiện nay, theo nhận định của giới quan sát Nga, khi nguy cơ đã hiện hữu kết hợp với chiến dịch truyền thông chưa từng có, công chúng Thụy Điển đang nhìn thấy một điều là tàu ngầm Nga có thể không tìm được, nhưng chi phí thì đang tiêu tốn từng ngày, và đó là sự thật.