Xóa bỏ tâm lý ỷ lại của người nghèo…
Ông Hà Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, vốn tín dụng chính sách đã góp phần xóa bỏ tâm lý ỷ lại của người nghèo, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo đối với hiệu quả sử dụng đồng vốn, nhờ đó giúp người nghèo có thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý tài chính gia đình.
Ở hầu hết các địa phương đều xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, khi tham gia vào các tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ nghèo vay vốn được tham gia vào sinh hoạt cộng đồng, học hỏi lẫn nhau về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, kinh nghiệm trong đời sống xã hội. Bản thân người nghèo đã xóa bỏ được mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng, góp phần ổn định kinh tế gia đình.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hậu - một trong những hộ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi có hiệu quả của tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân thôn Kim Đào (thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) quản lý cũng là một ví dụ. Anh Hậu chia sẻ: “Cuối năm 2013, địa phương bình xét gia đình tôi là hộ nghèo khi bản thân tôi ốm đau bệnh tật triền miên.
Đầu năm 2014, được vay 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH, tôi đã mua con giống, thức ăn chăn nuôi, từng bước xây dựng chuồng trại và mở rộng quy mô sản xuất”. Trên diện tích gần 3 mẫu, anh quy hoạch 2 mẫu ao thả cá, trong chuồng thường xuyên nuôi 40 con lợn, 200 gà thịt và 600 con vịt đẻ. Ngoài ra, gia đình còn thuê 3 mẫu ruộng để cấy lúa, bình quân mỗi vụ cho thu hoạch 6 tấn thóc. Giờ cuộc sống gia đình anh đã no đủ hơn rất nhiều…
Cần tạo lập sự bền vững
Theo TS Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao khi thành lập với dư nợ 8.631 tỷ đồng, đến nay Ngân hàng CSXH đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến hết tháng 8.2014, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH đạt 271.553 tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt hơn 22.000 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 153.701 tỷ đồng.
Tổng dư nợ đạt 126.349 tỷ đồng, tăng 117.718 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập. Dư nợ bình quân một khách hàng tăng từ 2,5 triệu đồng (năm 2003) lên hơn 18 triệu đồng.
Với mô hình quản lý như hiện nay, có thể thấy, Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện tối đa để người nghèo, các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn để thoát nghèo, thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình để giúp nắm bắt chính xác hơn số hộ nghèo thật sự cần vốn để sản xuất, tránh tình trạng nguồn vốn phân bổ sai đối tượng.
Vấn đề lãi suất cho vay cũng cần được xem xét để tránh sự lợi dụng nguồn vốn rẻ, dẫn đến nảy sinh rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng. Với đặc thù phục vụ khách hàng là các đối tượng chính sách và các hộ nghèo, cận nghèo, Ngân hàng CSXH cần thiết kế cơ cấu lãi suất phù hợp.
Để tạo lập sự bền vững của đồng vốn chính sách, ông Hà Hùng kiến nghị Ngân hàng CSXH cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức và bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiện đại hóa, giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí và tăng cường đội ngũ cán bộ tín dụng cơ sở. Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác huy động vốn theo chỉ đạo của Chính phủ để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay; đa dạng hóa các nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương, kể cả nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại.