Dân Việt

Thi thể mất đầu, linh hồn có siêu thoát?

(Dòng đời) 17/08/2014 12:52 GMT+7
Liên quan đến vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền khi được tìm thấy không còn đầu. Nhiều độc giả của Dòng Đời đã đặt câu hỏi rằng: Theo triết lý phương Đông, thi thể nạn nhân bị thiếu mất phần đầu hoặc một số bộ phận cơ thể thì khi chôn xuống, linh hồn có được siêu thoát?
Nhằm lý giải câu hỏi mang màu sắc tâm linh này dưới góc nhìn khoa học, PV Dòng Đời đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thế Khanh (ảnh) - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA).

Thi thể của người bị vứt xuống sông thường phải trôi đi, thời gian càng lâu thì trôi càng xa nhưng trong trường hợp thi thể chị Huyền suốt gần 10 tháng trời chỉ quanh quẩn ngay khu vực bị thủ phạm phi tang khoảng 4km.  Rồi kết quả ADN mang tới sự an ủi phần nào cho gia đình chị Huyền lại vào đúng tháng 7 âm lịch – tháng xá tội vong nhân. TS có nhận thấy sự liên quan nào đó tới vấn đề tâm linh ở sự việc này không?

 

img 

 

- Việc tìm thấy thi thể của một người bị hại vào thời điểm nào đó là hoàn toàn theo lý nhân duyên, không nhất thiết cứ phải vào tháng 7 âm lịch. Việc tìm thấy thi thể chị Huyền chỉ là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Vụ án xảy ra tại Thẩm mỹ Viện Cát Tường chắc còn chứa những uẩn khúc mà cơ quan chức năng cần phải tiếp tục làm sáng tỏ.

Bởi nếu thi thể đã bị phi tang xuống giữa sông Hồng cách đây cả 10 tháng mà chỉ trôi xa nơi đó được khoảng 4km, rồi lại nổi lên trong trạng thái bị mất phần đầu thì đúng là một điều hết sức khó lý giải.

Điều duy nhất mà người thân của nạn nhân có thể làm cho người quá cố là hãy cầu nguyện sự giải thoát, tránh sát sinh, đồng thời thường xuyên làm các việc thiện để hồi hướng cho linh hồn người quá cố. Đó mới là ý nghĩa thiết thực của giải pháp tâm linh.

Dư luận và nhiều độc giả của Dòng Đời có gọi điện tới tòa soạn hỏi rằng, trong trường hợp thi thể không còn đầu, nhìn về khía cạnh tâm linh theo triết lý Á đông, linh hồn của nạn nhân còn lưu lạc, vất vưởng đâu đó chưa thể siêu thoát. Quan điểm của TS về vấn đề này thế nào?

- Muốn cho linh hồn nạn nhân được siêu thoát, giải pháp duy nhất là làm cho linh hồn đừng tiếc thương lưu luyến với cái xác chết. Cho dù có tìm thấy phần đầu đi chăng nữa thì linh hồn nhìn thấy phần thân thể đang bị phân hủy ấy có khi cũng không thể vui mà siêu thoát được. Năm ngoái, một chị công tác tại Ban nghiên cứu ngoại cảm bị mất đột ngột do bệnh tim.

Vì chị ấy là cán bộ cũ của cơ quan nên thường xuyên về số 1 Đông Tác - Kim Liên để giao lưu với các nhà ngoại cảm. Lúc còn sống, chị ấy là một phụ nữ rất xinh đẹp, giờ đây khi đã chết, mỗi lần về giao lưu, chị ấy rất đau khổ vì thấy thân xác của mình đang phân hủy.

Gia đình và cơ quan đã cầu siêu và hồi hướng công đức cho chị ấy 49 ngày liền, rồi khai thị cho linh hồn chị ấy hiểu rằng đừng thương tiếc lưu luyến thân xác nữa. Dần dần chị ấy cũng giác ngộ được cái lý vô thường và không còn buồn đau như ngày mới qua đời nữa.

Thưa TS theo quan niệm của ông bà ta thì người chết phải được toàn thây thì sự ra đi mới là toàn vẹn, người thân không bị day dứt. TS nghĩ sao về quan niệm này?

- Linh hồn người chết (Đạo phật gọi là thần thức) muốn được siêu thoát thì không chỉ phụ thuộc vào sự “được chết toàn thây”  hay không mà phụ thuộc vào nghiệp lực đã gieo khi còn sống và trạng thái tâm thức trước khi lìa đời (còn gọi là giai đoạn cận tử nghiệp).

Trên thế giới khi đã chết thì có nhiều hình thức ứng xử với tử thi. Người Tây Tạng khi qua đời thì để thi thể ngoài trời cho chim kền kền ăn (điểu táng) bởi họ quan niệm có như thế thì linh hồn  mới được siêu thoát. Đối với những vị tu hành, khi chết đi, họ muốn thiêu xác thành tro bụi để không phải lưu luyến với thân xác khi đã hết khả năng sử dụng.

Như vậy, sự siêu thoát của linh hồn sau khi chết không phụ thuộc vào “được toàn thây’ hay không toàn thây, bởi vì khi linh hồn đã lìa hẳn khỏi thể xác (ví như người lái xe đã rời hẳn khỏi cái xe vậy) thì việc xử lý “cái xe” cũng không hề làm cho “tài xế” đau đớn nữa. Có chăng chỉ là cảm giác tiếc nuối, cảm hoài, lưu luyến về “cái xe kỷ niệm” đã song hành cùng mình trong mấy chục năm trên trần thế mà thôi.

Trong không ít vụ án, tai nạn thảm khốc mà nạn nhân không còn toàn vẹn thi thể, theo TS người nhà của các nạn nhân kém may mắn này nên thực hiện những thủ tục như thế nào để bớt đi sự đau lòng thưa TS?

- Theo tôi thi thể của nạn nhân Huyền tại thời điểm tử vong là vẫn còn hoàn toàn nguyên vẹn. Như vậy tại giây phút cận tử nghiệp (là lúc giao thời của sự sống và sự chết) thần thức chỉ bị chứng kiến cảm giác đau đớn khi bị tiến hành giải phẫu chứ không hề trải qua cảm xúc bị lìa đầu.

Sau này, hồn đã lìa khỏi xác rồi thì cho dù cái xác ấy có bị hỏa táng, thủy táng, địa táng hay điểu táng thì linh hồn cũng không hề bị trải nghiệm cảm giác đau đớn bởi mất đầu. Có chăng là linh hồn có thể đang chứng kiến một cách khách quan sự tan rã của cái thân xác, giống như người lái xe đứng bên đường, nhìn cái xe cũ của mình đang hoen rỉ, mục nát mà thôi.  

Do vậy, cần phải gửi thông điệp cho người quá cố để họ nhận ra rằng: Cái thân xác mục nát kia không còn quan trọng nữa. Đừng luyến tiếc và đừng đau buồn về sự tan rã của luật Vô thường. Hãy nhận ra cái không bị hủy hoại - đó là Tính giác - thì mới có cơ hội tìm đường tái sinh hoặc được trở về cảnh giới an lành.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Hồng Ngọc (thực hiện)