Trang mạng Bharat-rakshak của Ấn Độ đưa tin, hải quân nước này phải hết sức thận trọng với quá trình thử nghiệm trên biển đối với tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do nước này tự đóng INS Arihant.
Quá trình thử nghiệm trên biển của chiếc tàu ngầm này tiếp tục bị trì hoãn. Có thể thử nghiệm trên biển đầu tiên của tàu ngầm này sẽ được diễn ra vào cuối năm nay và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2017.
INS Arihant là một nỗ lực lớn của Ấn Độ trong việc chen chân vào top những quốc gia có khả năng răn đe hạt nhân trên biển.
Thử nghiệm trên biển và đưa vào hoạt động nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của hạm đội hải quân Ấn Độ đã bị trì hoãn đến 2 năm. Theo kế hoạch ban đầu, tàu ngầm INS Arihant được hạ thủy vào ngày 26.07.2009, thử nghiệm trên biển dự kiến bắt đầu vào năm 2010, nó sẽ đi vào hoạt động từ năm 2011.
Trong tháng 08.2012, tư lệnh hải quân Ấn Độ đô đốc Nirmal Verma cho biết, tàu ngầm sẽ được thử nghiệm trên biển rất sớm và sẽ gia nhập hạm đội trong vòng 18 tháng sau đó. Tuy nhiên, cho đến nay, tàu ngầm INS Arihant không thực sự sẵn sàng để thử nghiệm trên biển với những nguyên nhân không thực sự rõ ràng.
Một nguồn tin từ bộ chỉ huy hải quân phía Đông cho biết “Tàu ngầm hạt nhân này cần chạy thử (tĩnh) tất cả các thủ tục kiểm tra tiêu chuẩn vì nó là con tàu đầu tiên được đóng mới ở Ấn Độ” INS Arihant là loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Đây là một dự án phát triển hết sức bí mật của Ấn Độ.
Thử nghiệm trên biển của tàu ngầm hạt nhân đầu tiên này liên tục bị trì hoãn với những lý do không rõ ràng.
INS Arihant được trang bị 4 ống phóng thẳng đứng cỡ lớn có thể mang theo 3 ống phóng nhỏ hơn bên trong để phóng loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15 tầm bắn 700km hoặc 4 tên lửa đạn đạo tầm trung K-4 tầm bắn khoảng 3.500km. Nó được trang bị 1 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ công suất khoảng 83 MW, lò phản ứng này đã tiến hành các hoạt động thử nghiệm tại cảng vào tháng 08.2013.
Trì hoãn việc thử nghiệm trên biển diễn ra trong bối cảnh các vụ tai nạn của tàu ngầm và tàu nổi liên tục gia tăng. Ngày 21.08.2013, vụ nổ khoang ngư lôi của tàu ngầm điện diesel lớp Kilo INS Sindhurakshak đã làm 18 thủy thủ thiệt mạng. Từ năm 2010 đến nay, ít nhất 12 vụ tai nạn liên quan đến các tàu chiến Ấn Độ đã xảy ra trong đó có đến 10 vụ xảy ra trong năm nay.
Như vậy Ấn Độ tiếp tục chậm chân hơn người láng giềng Trung Quốc trong việc đưa vào vận hành tàu ngầm hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.