Con bạch tuộc mẹ dành 4 năm 6 tháng để ấp trứng. Trong quá trình này, nó đã không ăn gì để canh giữ và bảo vệ hơn 150 trứng của mình. Sau khi trứng nở, nhiều khả năng bạch tuộc mẹ đã kiệt sức chết.
Một robot thám hiểm đã vô tình phát hiện được một con bạch tuộc đang ấp trứng dưới một khe đá nằm sâu dưới đáy biển Thái Bình Dương ngoài khơi California. Kể từ khi phát hiện ra con bạch tuộc vào năm 2007, nhóm các nhà nghiên cứu với các trang thiết bị hiện đại đã tới thăm nó thêm 18 lần để quan sát quá trình ấp trứng và sinh nở của bạch tuộc.
Điểm đáng chú ý nhất là con bạch tuộc mẹ dành 4 năm 5 tháng để ấp trứng. Trong quá trình này, nó đã không ăn gì để canh giữ và bảo vệ hơn 150 trứng của mình. Sau khi trứng nở, nhiều khả năng bạch tuộc mẹ đã kiệt sức chết. Đây là một kỷ lục về thời gian ấp trứng chưa từng có trong thế giới động vật.
Vào tháng 10.2011, các nhà sinh thái học nhận thấy bạch tuộc mẹ đã rời đi, đồng thời phát hiện ra nhiều vỏ trứng đã nở vẫn còn dính chặt trên phiến đá. Tiến sĩ Bruce Robinson, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cho biết, dựa trên những quan sát và bằng chứng thu thập được, có vẻ như bạch tuộc mẹ đã không ăn gì hết trong suốt 53 tháng để canh giữ và bảo vệ 150 trứng của mình.
Theo các nhà khoa học, thậm chí họ đã đặt thức ăn ngay gần, bạch tuộc mẹ cũng không hề rời bỏ vị trí ấp trứng. Đồng thời, họ cho biết thêm, trong suốt quá trình theo dõi, nhóm nghiên cứu chưa bao giờ thấy bạch tuộc mẹ di chuyển hoặc lơ là những quả trứng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khẳng định bạch tuộc mẹ có thể đã chết sau khi những quả trứng nở, bởi bạch tuộc cái luôn hy sinh 1/4 cuối cuộc đời mình để ấp trứng.
Trước đó, kỷ lục này thuộc về một con tôm khổng lồ có thời gian ấp trứng là 20 tháng. Các nhà khoa học cho rằng có thể do nhiệt độ lạnh lẽo dưới đáy biển sâu đã khiến cho quá trình trao đổi chất chậm lại và ảnh hưởng tới quá trình sinh nở của những loài vật này.