Dân Việt

Muỗi khổng lồ ở Quảng Bình là loài ruồi “si tình”?

Minh Nhân (tổng hợp) 10/09/2014 18:50 GMT+7
Mới đây một người dân sửng sốt phát hiện ra sinh vật lạ tại một quán cafe trên đường Trần Nhân Tông, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Một số người qua quan sát bên ngoài nghi ngờ rằng đây là một cá thể muỗi khổng lồ. Song một số ý kiến khác lại cho rằng, đó là loài Ruồi hạc, một sinh vật có những con trưởng thành chỉ bay với bạn tình, đẻ trứng rồi chết.

Theo lời ông Lại Văn Hải, cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đồng Hới cho biết, sinh vật lạ do một người tên N chộp được ở quán cà phê trên đã được trung tâm kiểm tra sơ bộ và nghi rằng đây là cá thể muỗi.

Song cụ thể ra sao thì chính các chuyên gia của trung tâm này cũng chưa thể khẳng định được vì chưa nhìn thấy mẫu vật như thế này bao giờ.

img Sinh vật lạ ở Quảng Bình được tin là muỗi to như chuồn chuồn. Ảnh: Tiền Phong

Cùng tìm lời giải về thực chất sinh vật lạ giống như con muỗi này là loài gì, một số độc giả trên báo Dân Việt lại phỏng đoán rằng, đây thực chất không phải là muỗi. Đó chẳng qua chỉ là loài côn trùng Tipula Paludosa thuộc họ Tiputidae (Chi Ruồi hạc) có đôi chân dài, tuy vô hại nhưng lại thường bị nhầm lẫn với muỗi.

Trong khi đó, theo từ điển Bách khoa The Free Dichtionary mô tả, côn trùng Tipula Paludosa cũng có hình dáng giống tương tự như loài muỗi xám dài khoảng 20-24 mm. Còn theo trang nghiên cứu thiên nhiên Naturespot (Anh) côn trùng Tipula Paludosa thường sống trong cánh đồng, công viên, vườn. Nó thường bay vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, nhất là vào mùa thu.

Tuy nhiên, không giống như muỗi, ruồi hạc Tipula Paludosa không cắn người hay động vật. Lúc còn là ấu trùng sống dưới đất chúng thường ăn rễ cỏ, cây. Khi trưởng thành sinh vật này thường không ăn gì mà chỉ bay, giao phối, đẻ trứng, rồi chết. Chúng cũng không hề có nọc độc.

img Ruồi Tipula Paludóa có hình dạng giống y hệt như muỗi. Ảnh: Discoverlife

Đáng chú ý theo Discoverlife loài côn trùng này không chỉ xuất hiện ở Châu Âu, Bắc Mỹ như vẫn thường nghĩ mà trong Encyclopedia of Insects (Bách khoa thư về Côn trùng), xuất bản năm 1989, ở New York, Mỹ cho biết, nó cũng có cả ở châu Á. Ruồi Tipula Paludosa có những cái chân dài mảnh khảnh khiến rất nhiều người nhầm tưởng nó là muỗi. Mặc dù về mặt phân loại, loài ruồi này cùng loài muỗi đều thuộc bộ côn trùng hai cánh Diptera.

Với hình dáng giống nhau như vậy, giả thiết sinh vật lạ xuất hiện ở Quảng Bình là cá thể muỗi có thân hình như chuồn chuồn kim là một cá thể ruồi Tipula Paludosa, là những phỏng đoán có căn cứ và đáng lưu tâm.

Được biết, hiện nay, theo thông tin của ông Lại Văn Hải, cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đồng Hới cho biết, trung tâm này đang xem xét làm thủ tục gửi đến các chuyên gia thẩm định chính xác loại sinh vật lạ này.