Dân Việt

“Mũi chông thép” Biên phòng

07/09/2014 19:05 GMT+7
Tuần tra biên giới, đánh án ma túy, bảo vệ hiện trường… ít ai biết ngoài lực lượng cơ động, chức năng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) còn có các “chiến sĩ” đặc biệt. Đó chính là những chú chó nghiệp vụ tinh thông thuộc Đội huấn luyện chó nghiệp vụ (Phòng tham mưu - BĐBP TP Đà Nẵng).
img Tình thương yêu là bài tập “giao cảm” để chó nghiệp vụ và các huấn luyện viên hòa hợp nhau

Công phu

Chập choạng tối. Khu đất hoang ven bán đảo Sơn Trà (Sơn Trà, Đà Nẵng) bất ngờ xuất hiện ánh đèn xe máy tấp lại. 5 thanh niên bước xuống. Rì rầm giọng nói to nhỏ, giao dịch những gói hàng bọc bao nilon đen… Tất cả “nhất cử nhất động” của nhóm đối tượng khả nghi đều trong tầm quan sát của thượng úy Trần Văn Kiên - Đội trưởng Đội huấn luyện chó nghiệp vụ dưới lùm cây cách vài trăm mét. Mắt anh nhìn đăm đăm, mặt sắc lạnh, hai ngón tay giơ thẳng sẵn sàng chỉ huy “vũ khí đặc biệt” - chú chó nghiệp vụ Zu.

Zu ngồi im, lưỡi lè lòng thòng, nhưng không hề phát ra tiếng động, suốt hơn 4 tiếng đồng hồ mai phục. “Xung phong!”, lệnh Đội trưởng Kiên vừa dứt. Từ lùm cây, Zu cùng 2 chú chó nghiệp vụ của các huấn luyện viên Biên phòng bên cạnh, bứt tốc phóng về 5 đối tượng khả nghi. Những cú sải chân căng người, lách nhẹ bên phải, Zu uy dũng tiếp cận mục tiêu, lao mình cắn phập hàm răng sắc lạnh vào tay đối tượng. Kẻ tình nghi lảo đảo, Zu tiếp tục phi đâm, chồm ngang người khiến đối tượng nằm bẹp giữa nền đất cỏ… Trong chớp mắt, 5 đối tượng đều bị các chú chó hạ gục cùng sự hỗ trợ của các cán bộ quân hàm xanh.

Đây chỉ là một trong hàng loạt tình huống thao luyện cắn bắt đối tượng án ma túy ngoài thực địa của Đội huấn luyện chó nghiệp vụ BĐBP Đà Nẵng. Đội trưởng Kiên bảo: để trui rèn nên những “vũ khí đặc biệt”, “mũi chông thép” này, công tác huấn luyện thường xuyên được coi trọng hàng đầu. Đều đặn mỗi tuần, mỗi tháng, gần chục chú chó nghiệp vụ của đội đều được huấn luyện thực tế và tích cực tham gia các vụ đánh án, tuần tra biên giới biển và bảo vệ hiện trường các vụ khám xét nhà ở, tìm kiếm vật chứng của các đối tượng ma túy… 34 tuổi, Đội trưởng Kiên có gần 15 năm gắn bó với chó nghiệp vụ.

Đào tạo chính quy từ trường Trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ (nay gọi trường Trung cấp nghiệp vụ 24 Biên phòng), tốt nghiệp năm 2004, anh Kiên được phân công về công tác ở Đà Nẵng. Theo anh Kiên, để tạo ra một “mũi chông thép”- chó nghiệp vụ, không dễ. Từ khâu chọn giống, chọn chó đến đào tạo, huấn luyện đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và bài bản. Chó đảm bảo từ chiều cao, cân nặng, thể lực, thần kinh ổn định đến cả màu sắc.

Nhà trường nhập khẩu giống chó Béc-giê bố mẹ từ Đức về sinh sản. Nhưng hàng trăm con chó con này chỉ chọn số ít những chó đủ tiêu chuẩn tham gia đào tạo cùng các học viên để thành chó nghiệp vụ. Mỗi học viên được phân công 1 chú chó. Cả 2 cùng “tốt nghiệp” sau 9 tháng (sơ cấp)-24 tháng (trung cấp).

Chó được huấn luyện tính kỷ luật, đến các chuyên ngành phục kích, xác định nguồn hơi, cắn bắt đối tượng… Đội trưởng Kiên bảo: mất chừng 12 tháng, một chú chó nghiệp vụ mới thuần thục mệnh lệnh chỉ huy. Khó nhất chuyên ngành phục kích. Chó nghiệp vụ chiến đấu phải chịu đựng mọi loại thời tiết, kích thích bên ngoài. Đặc biệt, không được phát tiếng kêu, rên rỉ trong cả chục tiếng đồng hồ. “Nhiệm vụ đòi hỏi tính cơ động, bất ngờ, các đối tượng manh động nên yêu cầu tuyệt đối bí mật. Ngay cả khi đối tượng đi sát bên cạnh nhưng nếu không có lệnh, chó nghiệp vụ cũng phải đứng im”, đội trưởng Kiên nói.

Đội phó huấn luyện chó nghiệp vụ - trung úy Nguyễn Hữu Thứ tường tận từng đặc điểm chó nghiệp vụ. Theo anh Thứ, để chó và người thành “một đội”, các huấn luyện viên cần thể hiện sự thân thiết, coi chó như người bạn thực sự, luôn thể hiện sự quan tâm, yêu thương. Khẩu lệnh các huấn luyện viên đều giống nhau nhưng mỗi chú chó chỉ nhận lệnh từ một người nhờ sự huấn luyện “giao cảm”.

“Chó không có tư duy như người. Các phản xạ đều có điều kiện. Mình tập dần cho chó các bài tập từ thấp đến cao. Như tập phục kích ban đầu chỉ hơn chục phút, rồi tăng dần lên một tiếng và đến cả chục tiếng”, anh Thứ nói. Đội hiện có chục chó nghiệp vụ ma túy và chó chiến đấu. Nhiệm vụ khác nhau nên cách huấn luyện có bài tập riêng, chung. Đội phó Thứ bảo: tỉ mỉ nhất là đào luyện chó ma túy. Riêng sức khỏe luôn được nâng cao bằng mỗi bài tập chạy từ 2-4km.
img Rèn luyện thể lực. Chó nghiệp vụ khả năng chạy nhanh và uy lực vượt các độ cao. ảnh: Nguyễn Huy
Phá án

Núi Sơn Trà rộ nạn trộm cắp cáp điện. Kẻ cắp tinh vi xóa sạch dấu vết hiện trường. Chuyên án được ngành chức năng lập triển khai biện pháp ngăn ngừa. Cuối tháng 4/2014, Công an Sơn Trà (Đà Nẵng) “giăng lưới” bủa vây nhóm đối tượng tình nghi. Đậu Xuân Hiệu (SN1988, trú Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị tóm gọn, nhưng các đối tượng kia nhanh chân tẩu thoát. Tại cơ quan điều tra, Hiệu một mực chối bỏ hành vi của mình.

Nhận tin báo, đội chó nghiệp vụ được huy động “đánh hơi tang vật”, hỗ trợ lực lượng công an quận phá án. Chỉ vài động tác nhích mũi ngửi chiếc mũ, mảnh áo, chú Zu của anh Kiên và chú Tô của anh Thứ đều tìm về đúng vị trí “đồng hơi” của đối tượng Hiệu.

Đội trưởng Kiên phân tích: việc khẳng định nguồn hơi không phải là căn cứ pháp lý để buộc tội đối tượng nhưng là cơ sở giúp các điều tra viên đấu tranh, triển khai biện pháp nghiệp vụ buộc đội tượng khai nhận hành vi của mình. Từ cơ sở do chó nghiệp vụ xác nhận, cơ quan công an quận mở rộng điều tra, truy bắt thêm 2 đối tượng Nguyễn Văn Sơn, Bùi Sỹ Ánh (Tĩnh Gia). Tất cả đều thừa nhận hành vi của mình.

Đội phó Thứ cho hay: chó nghiệp vụ được quy định như một “vũ khí đặc biệt” và được sử dụng linh hoạt vào rất nhiều nhiệm vụ khác nhau. Với đặc thù tuyến biên giới biển kéo dài, qua địa hình đồi núi Hải Vân, chó nghiệp vụ tham gia tuần tra, kiểm soát, tạo thành “mũi chông thép” bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm khu vực biên giới biển.

Các chú chó nghiệp vụ tham gia hàng loạt nhiệm vụ bảo vệ các hội nghị quốc tế lớn trên địa bàn. Đặc biệt, hỗ trợ công tác khám xét, bảo vệ vòng ngoài khi thực hiện đấu tranh, bắt giữ đối tượng phạm pháp. Khó thống kê hết các vụ tham gia khám xét nhà đối tượng tàng trữ ma túy, nhưng theo đánh giá của Đội phó Thứ, các kết quả của chó nghiệp vụ đều chính xác đến tuyệt đối về việc xác định vị trí, tang vật tàng trữ của các đối tượng.

“Sau khi chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ đánh hơi, tìm tang vật, các điều tra viên công an, BĐBP tiếp tục “tái khám”. Nhưng các kết quả đều trùng khớp”. Đáng kể, với những chú chó chiến đấu, bảo vệ vòng ngoài luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhờ vẻ mặt “đáng sợ”, thân hình to lớn, chó chiến đấu luôn tạo sức uy hiếp lớn để cách giãn người dân hiếu kỳ hoặc các đối tượng lợi dụng đám đông để manh động - anh Thứ tự hào.
img Tấn công tội phạm
Đa năng

Người dỏng cao, hay nở nụ cười hiền, nhưng khi vào nhiệm vụ, anh Thứ cùng “đồng đội” Tô sắc lạnh trong từng ánh mắt. Tròn 1 năm, sau khóa huấn luyện nâng cao ở trường Trung cấp nghiệp vụ 24, Đội phó Thứ đưa Tô về đội. Nhập ngũ từ năm 2001 tại trường này với vai trò là lính chăm sóc, nuôi dưỡng chó nghiệp vụ, anh Thứ có thâm niên, kinh nghiệm trong nghề ít ai sánh kịp.

Theo anh Thứ, không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn ở những chú chó nghiệp vụ mà cả huấn luyện viên cần tổng hợp rất nhiều kỹ năng. Từ kỹ thuật, phương pháp huấn luyện đến nền tảng thể lực, võ thuật, dũng cảm và tinh thông các kỹ năng phá án.

“Huấn luyện viên là người luôn theo sát chó nghiệp vụ mỗi khi phá án nên nếu chỉ huy không tốt, hoặc xuất hiện các tình huống nguy hiểm mình không ứng phó được sẽ nguy hiểm cho cả hai và cả việc phá án”, anh Thứ nói. Ngày đưa chú chó Tô về lại trường sau cả chục năm gắn bó, anh Thứ tiễn trò cưng của Trung tâm trong rưng rưng.

“Tình thương luôn là thứ gắn kết, kể cả giữa người và động vật. Nhiều khi giữa đêm mưa gió, bão tố, nhà chưa lo nhưng sợ chó ở trong chuồng bị thấm dột, mưa lạnh. Ở trường có đội bác sĩ thú y chăm lo sức khỏe cho chó nghiệp vụ nhưng về các đội, huấn luyện viên phải kiêm luôn công tác này”, anh Thứ nói thêm.

Tốt nghiệp chuyên ngành loại giỏi nhưng Đội trưởng Kiên không ngừng tự học hỏi, trau dồi kiến thức. Năm 2010, anh tiếp tục học khóa nghiệp vụ nâng cao ở trường cũ, với hàng loạt chuyên ngành: võ thuật, phán đoán tâm lý tội phạm, hệ thống pháp lý, kỹ năng nhận dạng vân tay, khám nghiệm hiện trường, và cả trình độ ngoại ngữ, tin học… “Tội phạm diễn biến phức tạp, phương thức ngày càng tinh vi, mình sử dụng “mũi chông thép” nhưng nếu không bổ trợ kiến thức, kỹ năng kịp thời sẽ khó phát huy hiệu quả”, đội trưởng Kiên nhấn mạnh. Để trở thành những cặp bài trùng như Kiên - Zu đòi hỏi cả hai phải thể hiện tính thiện nghệ, đa năng.
Nghĩa địa chó nghiệp vụ

Theo anh Kiên, vòng đời chó nghiệp vụ được nâng niu, trân trọng. Đặc biệt, với những chó nghiệp vụ có thành tích lớn. Chó nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ 10-15 năm, sau đó được nghỉ hưu theo chế độ. Những chú chó này quay lại trường Trung cấp nghiệp vụ 24, có khu ăn ở, chăm sóc. Khi chết sẽ được chôn cất tại nghĩa địa do trường quy hoạch khu đồi phía sau. Nhiều chú chó được làm bia bảng vinh danh, tưởng nhớ.