Khai thác khoáng sản ồ ạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang khiến môi trường ô nhiễm, mất đất sản xuất... Ảnh: Hữu Thông |
Đe doạ sản xuất nông nghiệp
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực khai thác mỏ sắt Sài Lương - Nậm Chậu thuộc xã Nậm Búng (huyện Văn Chấn) mới mở khai trường từ tháng 11 - 2009, nhưng những hoạt động khai khoáng đang khiến chính quyền và người dân ở đây rất bức xúc.
Được biết, xã Nậm Búng hiện có 4 đơn vị đang hoạt động khai thác mỏ là Công ty cổ phần Hà Quang, Doanh nghiệp tư nhân Hùng Loan, Công ty cổ phần Hoàn Thiện, HTX dịch vụ tổng hợp Tú Lệ. Khu vực mỏ sắt Sài Lương - Nậm Chậu cũng có 3 đơn vị đang tiến hành làm đường, mở vỉa khai thác.
Bãi thải mỏ sắt Sài Lương - Nậm Chậu nằm trên độ cao từ 500 - 800m, với độ dốc rất lớn, nên khả năng hàng chục nghìn khối đất đá thải từ các khai trường sẽ đổ ập xuống ruộng của người dân khi mùa mưa đến, là điều dễ xảy ra. Cánh đồng Sài Lương - Nậm Chậu hiện nay có khoảng 35ha, mà theo tính toán, các bãi thải quặng của các đơn vị này không được xử lý và có quy hoạch hợp lý, sẽ làm 10ha diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp.
Theo ông Lê Đình Đạo - Phó Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, mặc dù, khi cấp phép khai thác, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ sở quy hoạch bãi thải theo đúng quy định, nhưng các chủ cơ sở này chấp hành không nghiêm túc, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hơn nữa, hoạt động khai thác tại Yên Bái chủ yếu bằng phương pháp lộ thiên, đã làm thu hẹp đáng kể diện tích đất nông - lâm nghiệp để làm khai trường, bãi thải.
Những hệ lụy xấu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cấp phép tràn lan trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Yên Bái những năm 2007-2008 đã gây ra những hậu quả xấu về môi trường như hiện nay. Theo Sở TN&MT Yên Bái, toàn tỉnh có trên 168 khu vực mỏ khoáng sản với 15 loại khoáng sản khác nhau. Ngoài ra còn nhiều đơn vị đang thăm dò khoáng sản theo giấy phép của Bộ TN&MT và hàng chục đơn vị khác đang làm thủ tục xin thăm dò khoáng sản.
Quy mô, diện tích, sản lượng, công suất khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn Yên Bái chủ yếu vừa và nhỏ. Môi trường chịu ảnh hưởng lớn nhất là trong khu vực moong khai thác, đất đá bị đào xới, địa hình mấp mô, lởm chởm. Đồng thời, một số diện tích xung quanh và đồng ruộng, khe suối phía dưới các bãi thải bị bồi lấp do sạt lở, xói mòn khi mưa lũ, tác động lớn đến đời sống sinh hoạt sản xuất của người dân.
Hơn nữa, các điểm mỏ thường ở vùng sâu, vùng xa, đường giao thông chủ yếu là đường đất, đường cấp phối, nên những hoạt động vận chuyển khoáng sản cũng gây bất bình trong nhân dân. Tuy vậy, theo ông Đạo, việc chuyên chở quá tải phải xử lý theo Luật Giao thông đường bộ, nên nằm ngoài thẩm quyền của Sở TN&MT. Ông Đạo cũng cho rằng, việc cho phép khai thác khoáng sản không có nghĩa là xe của các doanh nghiệp có thể thoải mái chở quá trọng tải.
Hiện nay, tình trạng khai thác đá quý tự phát tại các huyện Lục Yên, Yên Bình; đãi vàng sa khoáng, cát sỏi tại huyện Văn Yên vẫn tiếp tục diễn ra. Cảnh quan núi đá đẹp ở khu vực huyện Lục Yên và hồ Thác Bà đã bị tàn phá tới mức báo động, do việc khai thác khoáng sản trái phép như hiện nay.
Hữu Thông