Dân Việt

Tiêm kích JAS-39 Gripen-E, giải pháp có thể phù hợp với Việt Nam

Quốc Bình 15/06/2014 12:20 GMT+7
Trong quá trình hiện đại hóa Không quân Việt Nam, tiêm kích JAS-39 Gripen-E của Thụy Điển có thể là một giải pháp khả thi.

Không quân ngày càng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Các cuộc xung đột quân sự ở hiện tại và tương lai chủ yếu diễn ra ở trên không, trên biển nên việc hiện đại hóa không quân có ý nghĩa mang tính sống còn.

Với Việt Nam tất nhiên không thể đứng ngoài xu thế này, thực tế thì Không quân và Hải quân Việt Nam đang được đầu tư khá mạnh để tiến thẳng lên hiện đại hóa. Tiêm kích chủ lực hiện nay của Không quân Việt Nam là tiêm kích đa năng Su-30MK2.

Mặc dù Su-30MK2 là một tiêm kích đa năng hiện đại có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc, đặc biệt là khả năng đánh biển của Su-30MK2 tương đối tốt. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu Su-30MK2 được bổ sung một thêm một dòng tiêm kích khác do phương Tây sản xuất thì có thể tạo nên sự khác biệt về mặt chiến thuật.

Đối với lực lượng không quân có quy mô còn khiêm tốn như Việt Nam thì tạo ra được sự khác biệt so với đối thủ là một giải pháp quan trọng trong việc duy trì lợi thế phòng ngự hiệu quả. Việc duy trì một dòng tiêm kích do Nga sản xuất có lợi thế về tính đồng bộ hóa cao từ trang thiết bị trên máy bay đến hệ thống dẫn đường mặt đất.

img

Tuy vậy, việc duy trì một dòng tiêm kích duy nhất do một quốc gia sản xuất sẽ khiến Việt Nam gặp không có nhiều chiến thuật khi chạm trán với một đối thủ có phi đội tiêm kích hoàn toàn giống với Việt Nam. Mặc dù khi đặt hàng một số quốc gia có thể yêu cầu thêm bớt một số thiết bị để tạo ra sự khác biệt so với dòng máy bay cùng loại của quốc gia khác, nhưng sự khác biệt ở đây là không lớn.

Để tạo được lợi thế chiến thuật, tạo nên sự khác biệt so với đối thủ, theo một số chuyên gia, Việt Nam có thể tính đến giải pháp đầu tư một dòng tiêm kích ngoài các tiêm kích do Nga sản xuất. Trong số các tiêm kích thế hệ 4++ hiện đại ngoài Nga có thể kể đến Rafale của Pháp, EF-2000 Typhoon của châu Âu và JAS-39 Gripen của Thụy Điển.

Trong các loại tiêm kích nói trên thì biến thể JAS-39 Gripen-E có thể là một lựa chọn phù hợp. Gripen-E là một biến thể nâng cấp toàn diện từ JAS-39 Gripen. Tính năng nỗi bật của Gripen-E là hệ thống điện tử và đây cũng chính là nhân tố tạo nên sự khác biệt về chất lượng tiêm kích.

Cụ thể, Gripen-E được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động ES-05 Raven. Mặc dù thống số kỹ của loại radar này vẫn chưa được tiết lộ nhưng khả năng quét điện tử mang lại rất nhiều lợi thế về mặt tác chiến so với đối thủ. Trang bị các radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA là một xu hướng mới trong việc phát triển các tiêm kích trên thế giới.

Hiện tại, rất ít quốc gia có tiêm kích được trang bị radar AESA nên đây sẽ là một lợi thế của Gripen-E so với đối thủ. Bên cạnh đó Gripen-E còn được bổ sung thêm hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại IRST và nó được chiếu lên mũ bay tích hợp của phi công.

img

Các hệ thống cảm biến của Gripen-E được thiết kế theo tiêu chí “cảm biến hợp nhất” tức là thông số về mục tiêu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau chứ không dựa vào một nguồn riêng biệt nào. Giải pháp thiết kế này cho phép xác định mục tiêu một cách chính xác từ nhiều nguồn khác nhau, chúng sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau giúp phi công tác chiến hiệu quả hơn, chính xác hơn.

Ngoài ra, Gripen-E còn được trang bị động cơ mới F414 với công suất tăng 20% so với trước, động cơ này giúp Gripen-E có thể bay siêu âm mà không cần sử dụng đến buồng đốt 2 lần (hiện nay chỉ có F-22, EF-2000 Typhoon và Su-35 có thể bay siêu âm mà không sử dụng buồng đốt 2 lần).

Tính năng hành trình siêu tốc mà không sử dụng đến buồng đốt 2 lần cho phép tiết kiệm nhiên liệu giúp máy bay tăng phạm vi hoạt động. Thân máy bay được mở rộng thêm để tăng công suất chứa nhiên liệu giúp máy bay có thể hoạt động lâu hơn.

Về vũ khí, Gripen-E có thể sử dụng các loại vũ khí không đối không, đối đất, đối hải. Gripen-E có thể mang 6 tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder, 4 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, 4 tên lửa không đối không tầm trung MICA.

Đặc biệt Gripen-E đang được thử nghiệm trang bị tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Meteor tầm bắn trên 100km, đây là một loại tên lửa không đối không cực kỳ hiện đại của châu Âu. Gripen còn có thể mang 4 tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick. Đặc biệt, Gripen-E được trang bị 2 tên lửa hành trình tấn công mặt đất KEPD-350 tầm bắn lên đến 500km. Nếu được trang bị loại tên lửa này sẽ tạo ra một bước đột phá cực lớn về phạm vi tác chiến cho Không quân Việt Nam.

Về khả năng chống hạm, Gripen-E mang theo 2 tên lửa chống hạm RBS-15 tầm bắn lên đến 250km. Trong khi đó vũ khí chống hạm uy lực nhất của Không quân Việt Nam là tên lửa chống hạm Kh-31A tầm bắn khoảng 50km. Với tầm bắn như vậy buộc các tiêm kích Việt Nam phải tiến vào khu vực nguy hiểm của phòng không trên hạm trên tàu chiến đối phương để thực hiện nhiệm vụ tấn công.

Nếu được trang bị tiêm kích Gripen-E với tên lửa chống hạm RBS-15, các tiêm kích Việt Nam có thể tấn công tàu chiến đối phương từ bên ngoài tầm với của hầu hết các hệ thống phòng không trên hạm hiện nay. Việt Nam có đường bờ biển trải dài trên 3.000km, Gripen-E bố trí từ các sân bay ven biển có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công các tàu chiến đối phương từ xa mà không cần phải bay quá xa từ đường cơ sở 12 hải lý.

Xét về quy mô, công nghiệp hàng không Thụy Điển khó lòng so sánh được với các ông lớn Nga, Mỹ nhưng chính điều đó lại mang lại nhiều lợi thế cho khách hàng khi lựa chọn các sản phẩm của Thụy Điển. Nhà sản xuất SAAB, đáp ứng rất tốt các yêu cầu của khách hàng về tiến độ và chất lượng, bên cạnh đó họ còn đảm bảo khả năng hợp tác chuyển giao công nghệ với khách hàng.

Một lợi thế khác khi mua Gripen-E là khách hàng được phép truy cập mã nguồn phần mềm và tài liệu kỹ thuật chi tiết để thực hiện những sửa đổi cần thiết theo yêu cầu riêng của họ. Trong khi đó việc truy cập mã nguồn phần mềm các tiêm kích Nga, Mỹ đều phải do phía họ đảm nhận.

Tuy vậy, việc đầu tư Gripen-E sẽ có một số khó khăn nhất định về đào tạo và hệ thống dẫn đường mặt đất, vũ khí trang bị. Bên cạnh đó còn có thể có thêm rào cản từ phía Mỹ khi phần lớn linh kiện trên tiêm kích này do Washington sản xuất.