Đi đôi với việc tăng thêm danh sách vũ khí mua sắm, gần đây Nga và các nước Đông Âu thuộc Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Ba Lan, Cộng hòa Czech, Lithuania và Latvia còn có những kế hoạch mở rộng ngân sách chi tiêu quốc phòng.
Chiến đấu cơ Su-34 của Nga đang bay biểu diễn ở triển lãm hàng không Moscow năm 2013. Ảnh: Defense news
Cụ thể, trong một động thái nhằm tăng cường an ninh khu vực, nhân chuyến thăm chính thức từ ngày 3-4.6 tới Ba Lan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ ủng hộ các đồng minh Đông Âu và công bố một sáng kiến mới để tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực.
Theo Sáng kiến Trấn an châu Âu, chính quyền Washington dự kiến phân bổ 1 tỷ USD để đảm bảo hỗ trợ an ninh cho các quốc gia Đông Âu, những nước được cho là có nguy cơ bị đe dọa bởi sự can thiệp của Nga tại bán đảo Crimea, một vùng lãnh thổ từng thuộc về Ukraine.
Tại một cuộc họp chung được tổ chức tại một sân bay quân sự ở Warsaw, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski cho biết, đất nước của ông sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Đề cập tới việc Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-16 tới Ba Lan, ông Komorowski cho rằng, sự hiện diện của Mỹ được xem như một sự đảm bảo ổn định khu vực.
”An ninh của Ba Lan và toàn bộ khu vực (Đông Âu) đều dựa vào hợp tác Ba Lan-Mỹ và vào sự diện hiện của quân đội Mỹ trên đất Ba Lan vào thời điểm mà tất cả chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, Tổng thống Ba Lan Komorowski nói.
Cũng trong cuộc họp chung với Tổng thống Mỹ, ông Komorowski khẳng định, Ba Lan sẽ tăng chi tiêu cho quốc phòng tăng từ mức 1,95% GDP hiện tại lên 2% GDP trong những năm tới để đẩy nhanh việc hiện đại hóa vũ trang. Không quân Ba Lan dự kiến mua lại 70 trực thăng và hàng trăm máy bay mới. Nước này còn dự chi 5 tỷ USD để hiện đại hóa không lực và hệ thống phòng thủ chống tên lửa.
Ngoài Ba Lan, cuối tháng 5.2014, Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka tuyên bố Czech sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ 1% GDP lên 1,4% GDP. Đồng thời, kể từ khi bùng nổ xung đột ở Ukraine, hai quốc gia vùng Baltic là Lithuania và Latvia cũng tuyên bố tăng chi tiêu cho quốc phòng. Cả 2 đều dự tăng ngân sách quốc phòng từ dưới 1% GDP lên 2% GDP.
Đối lại, phía Không quân Nga đã công bố một kế hoạch mới nhằm tăng khả năng chiến đấu và vật tải của phi đội. Theo thông tin mới đây được hãng tin RIA Novosti dẫn lời Đại tá Igor Klimov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tới cuối năm 2014, quân đội Nga lên kế hoạch đặt mua một loạt máy bay, trực thăng và hệ thống radar mới.
Đó là những loại máy bay như: máy bay ném bom Sukhoi Su-34, máy bay chiến đấu Su-30SM và Su-35S; máy bay huấn luyện Yakovlev Yak-130; máy bay vận tải Ilyushin Il-76MD-90; máy bay trực thăng Kamov Ka-52, Ka-226, Mil Mi-28N, Mi-8AMTSh và Mi-35. Tất cả các máy bay này đều từ các công ty thuộc Tập đoàn nhà nước Rostec của Nga.
Ngoài mua sắm máy bay, các đơn vị quân đội Nga sẽ nhận thêm các loại radar mới, cũng như các thiết bị dò tìm vĩ độ cao-thấp như Podlyot và Kasta 2-2. Các lực lượng vũ trang của Nga cũng dự kiện tổ chức các cuộc tập trận quân sự lớn có tên là Vostok 2014 vào năm nay. Không quân Nga còn sẽ đặt hàng hệ thống tên lửa đất đối không S-400 cao cấp và tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S.
Tuy Bộ Quốc phòng Nga không tiết lộ con số cụ thể máy bay và thiết bị cần mua sắm nhưng việc mua sắm này sẽ là một phần trong các kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga với số tiền dự chi lên tới 650 tỷ USD để sắm vũ khí và thiết bị quân sự mới từ nay tới năm 2020.