Dân Việt

Tin tặc Trung Quốc bị tố trộm bí mật tên lửa Vòm Thép của Israel

30/07/2014 09:04 GMT+7
Mới đây một nhóm tin tặc Trung Quốc đã bị cáo buộc xâm nhập vào cơ sở dữ liệu 3 nhà thầu quốc phòng tại Israel để nhằm chiếm lấy thông tin liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Thép) của Israel.
Ngoài việc lấy thông tin về Iron Dome, những kẻ tấn công còn thu được thông tin về nhiều dự án khác như Phương tiện bay không người lái (UAV), tên lửa đạn đạo và "các bản vẽ chi tiết cùng thông số" về tên lửa đánh chặn Arrow III.

Theo phóng viên độc lập Brian Krebs, các vụ tấn công diễn ra trong giai đoạn 2011 và 2012, do nhóm hacker nổi tiếng Trung Quốc là “Comment Crew” thực hiện. Nhóm này được cho là có liên quan tới Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Hồi tháng 5, Mỹ đã khởi tố 5 thành viên của nhóm này với tội hoạt động gián điệp trên mạng, có các hành vi chống mạng máy tính Mỹ.

Các hacker được cho là xâm nhập các hệ thống máy tính ở Mỹ để "đánh cắp thông tin mang lại lợi thế kinh tế cho các công ty Trung Quốc, gồm "các doanh nghiệp nhà nước".

Dù không rõ các hacker đã lấy được những dữ liệu gì, công ty Cyber Engineering Services (Cyber ESI) có trụ sở ở Mỹ phát hiện những kẻ này đã mang đi ít nhất 700 tài liệu. Con số thực còn cao hơn thế.

Nói với trang Business Insider, nhà nghiên cứu ở Đại học California là Jon Lindsay đánh giá hoạt động xâm nhập này cho thấy Trung Quốc đang quan tâm tới việc tìm hiểu về hệ thống phòng vệ tên lửa - một vấn đề rất khó làm chủ. Tuy nhiên nó cũng cho thấy Bắc Kinh đang mở rộng các hoạt động gián điệp mạng.

"Phương thức hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc giống như một chiếc máy hút bụi thay vì một chiếc kính hiển vi" - Lindsay đánh giá - "Họ đuổi theo nhiều dạng mục tiêu khác nhau - các công ty hàng đầu trong mọi ngành công nghiệp."

Nhiều nhà quan sát phỏng đoán Trung Quốc quan tâm tới Vòm Thép xuất phát từ việc hệ thống này đã hoạt động rất thành công trong cuộc đụng độ giữa Israel và Hamas hồi năm 2012. Khi đó Israel tuyên bố họ đã đánh chặn được 1/5 số rocket bắn sang lãnh thổ của mình.

Một trong 3 nhà thầu bị hacker Trung Quốc "hỏi thăm" đã từ chối bình luận về sự việc, cũng như các nhận xét cho rằng Mỹ có thể bị ảnh hưởng từ vụ này, do đã hợp tác rất chặt với Israel trên vấn đề nghiên cứu quốc phòng.

"Vào thời điểm đó, vấn đề đã được xử lý theo quy định" - Eliana Fishler, phát ngôn viên công ty Israel Aerospace Industries, đã tuyên bố với Krebs - "Thông tin đã được chuyển cho cơ quan chức năng. IAI đã triển khai biện pháp sửa lỗi để ngăn chặn các sự kiện tương tự diễn ra trong tương lai

Về phần mình, Giám đốc điều hành CyberESI là Joseph Drissel khẳng định các thông tin bị lấy mất từng được Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào dạng thông tin mật.

"Phần lớn công nghệ trong tên lửa Arrow 3 không do Israel thiết kế mà là sản phẩm của Boeing và các nhà thầu quốc phòng Mỹ" - ông nói với Krebs - “Chúng tôi chuyển giao công nghệ này cho họ và rồi họ phun sạch ra ngoài. Về cơ bản họ đã làm lộ ra rất nhiều công nghệ có thể đã được sử dụng trong hệ thống của chúng ta".

Mỹ đã liên tục cáo buộc Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp kiểu này. Hồi tháng 6 năm nay, đài truyền hình Russia Today của Nga dẫn lời công ty an ninh mạng CrowdStrike của Mỹ cho biết 1 đơn vị hacker trong PLA đã có 7 năm tấn công vào mạng máy tính thuộc ngành hàng không, không gian Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc cũng liên tục bác bỏ các cáo buộc đánh cắp thông tin. Trung Quốc thậm chí còn cho rằng Mỹ đã tổ chức vô số vụ tấn công mạng nhằm vào nước này