Dân Việt

Sức mạnh “vòng xoay” không lực Mỹ và đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương

Văn Biên 22/06/2014 19:46 GMT+7
Tạp chí Không quân Mỹ mới đây tiết lộ, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines đến Australia, không lực Mỹ đã và đang không ngừng tăng cường hiện diện, tạo ra những “vòng xoay” máy bay trên khu vực châu Á-Thái Bình Dương làm đối trọng với Trung Quốc.

Theo bài viết “Pacific Rotations” của tác giả Marc V.Schanz trên Tạp chí Airforce Magazine (Tạp chí Không quân Mỹ), số 3, tháng 3.2014 cho biết, Không quân Mỹ sẽ cùng với không quân của các đồng minh triển khai lực lượng khắp châu Á và Thái Bình Dương.

Chiến lược răn đe ngừa xung đột trong khu vực

Vào cuối tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã điều 2 máy bay ném bom B-52H Stratofortress bay trên vùng biển Hoa Đông. Schanz cho rằng, chuyến bay đó là một thử thách quân sự đầu tiên của Mỹ đối với tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) xung quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp.

Tuy nhiên, trong nhiều năm trước không lực Mỹ ở Thái Bình Dương đã tiến hành nhiều loại chuyến bay tầm xa ở các không phận trên biển thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Riêng những chiếc B-52 ở trên được triển khai ở Guam, nơi mà Mỹ đã duy trì sự hiện diện liên tục của các đơn vị máy bay ném bom từ năm 2004. Những đơn vị này thường bay từ Mỹ để tham gia các hoạt động đào tạo, luyện tập với các đồng minh và thúc đẩy sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương với thời gian tối đa đến 6 tháng.

Song việc triển khai các máy bay ném bom B-52 như vậy cũng chỉ là một phần trong sự hiện diện và tham gia các hoạt động phong phú của Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF). Hiện nay Tư lệnh PACAF đang dự định xây dựng các hoạt động theo một mô hình từng được sử dụng trong Chiến tranh lạnh, và với mô hình này, Tư lệnh PACAF muốn tăng cường khả năng đem lại các lợi ích cho Mỹ và rèn luyện mối quan hệ mật thiết với các đồng minh ở khu vực.

img 
Máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress của Mỹ. Ảnh: Military-today

Thời gian tới, các quan chức PACAF cho biết Không quân Mỹ (USAF) sẽ giao các nhiệm vụ tăng cường sức mạnh và các hoạt động “Phase Zero” (thuật ngữ mới của Lầu Năm Góc ngụ ý rằng các tư lệnh quân đội ở các khu vực có nhiệm vụ loại trừ tận gốc những bất ổn của thế giới ở khu vực đó). Những hoạt động này sẽ nhằm vào các tình huống tiền xung đột ở các vùng ADIZ cũng như triển khai nhanh chóng các hoạt động cứu trợ nhân nhân đạo do thiên tai, chẳng hạn như trận siêu bão Hải Yến ở Philippines vào tháng 11.2013. Theo chiến lược này, không quân Mỹ dự kiến sẽ mở rộng các hoạt động tới khu vực và đi xa hơn cả các khu đồn trú truyền thống ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những chuyến bay của các máy bay từ các chiến đấu cơ đến các máy bay ném bom, máy bay tình báo, giám sát và trinh sát sẽ chuyển từ tạm thời sang triển khai thường xuyên hơn và ở nhiều địa điểm hơn. Hành động này được đưa ra cũng giống như khi quân đội Mỹ điều các máy bay chiến đấu để hỗ trợ trong các chiến trường ở Afghanistan và Iraq trong suốt thập kỷ qua.

Các quan chức PACAF cho biết, sáng kiến ​​trên do Đô đốc Samuel J. Locklear III, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM) đưa ra, kêu gọi tất cả các chỉ huy phải chứng tỏ được sức mạnh để đối phó với những căng thẳng, các tình huống tiền xung đột và các cuộc khủng khoảng diễn ra.

Tướng Herbert J. "Hawk" Carlisle, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF) cũng từng cho biết, PACOM cùng các chỉ huy chủ yếu nhấn mạnh vào việc chuẩn bị những kế hoạch hành động cụ thể tập trung vào các khu vực duy nhất của cuộc xung đột tiềm năng như eo biển Đài Loan, hoặc xung đột Triều Tiên và Hàn Quốc. Cho nên mục đích chính của không lực Mỹ đồn trú ở Đông Á, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc là để hỗ trợ các kế hoạch dự phòng này.

Trở lại chiến lược lá cờ ca-rô kiểm soát toàn bộ tình hình

”Những gì đang làm là để quản lý toàn bộ tình hình, từ giai đoạn 0 (Phase Zero) đến giai đoạn 5 (Phase Five-giai đoạn cuối cùng chuyển từ xung đột sang kiểm soát dân sự) và duy trì sự tham gia (quân đội Mỹ) không chỉ trong một khu vực địa lý”, Tư lệnh Carlisle cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Tạp chí Airforce magazine vào tháng 1.2014.

Chiến lược này tác động đến các hoạt động khác nhau, từ các chuyến bay qua ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố trên biển Hoa Đông hay các chuyến bay trên bán đảo Triều Tiên. Năm ngoái 2 chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2A Spirit của Mỹ đã không ngừng thực hiện các chuyến bay đào tạo từ Whiteman AFB, bang Missouri tới vùng tập ném bom của Hàn Quốc. Nhiệm vụ này không được thông báo trước và đã giúp giảm leo thang căng thẳng với Triều Tiên.

Tuy nhiên, sự hiện diện của không quân đòi hỏi về giờ bay, đào tạo và sự sẵn sàng của phi hành đoàn cũng như ngân sách bảo trì. Để đáp ứng nhu cầu của chiến lược này, PACAF sẽ áp dụng mô hình luân chuyển “Checkered Flag” (Lá cờ ca-rô) thời kỳ Chiến tranh lạnh, một phương pháp mà hầu hết các lực lượng không quân Mỹ thường xuyên triển khai chiến thuật vào các khu vực cụ thể ở châu Âu để đào tạo và làm quen với các vị trí mới.

img

F-22 Raptor của Mỹ cùng phi đội không chiến của Malaysia tập luyện ở  Georgetown, Malaysia ngày 18.6. Ảnh: Staradvertiser.com

Hiện nay phi công Mỹ sẽ được tập trung vào các khu vực mới ở châu Á và Thái Bình Dương với sự trợ giúp của các đồng minh từ Philippines tới Australia, và họ sẽ hợp tác với các đồng minh khác như Malaysia và Thái Lan trong việc duy trì các nơi không đặt căn cứ quân sự. Tháng 6.2013, Tư lệnh Carlisle công bố kế hoạch chiến lược của PACAF sẽ gồm 3 nguyên lý cốt lõi: mở rộng sự tham gia của không quân trong các tình huống, phát triển khả năng chiến đấu và cải thiện lực lượng chiến đấu hợp có sự hợp tác.

Trong tháng 7.2013, PACAF của Mỹ đã có 1 phi đội viễn chinh F-22 Raptors triển khai đến căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa của Nhật Bản và 24 chiếc chiến đấu cơ F-16 triển khai đến Hàn Quốc. Những phi đội này được đi kèm hỗ trợ để có thể hoạt động trong khoảng thời gian 4 tháng. Chiến lược “Lá cờ ca-rô” cũng tạo ra sự hiện diện của các máy bay ném bom từ đảo Guam. Đồng thời PACAF cũng sẽ ngày càng triển khai lực lượng ở phía Nam và phía Tây của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với mục đích chính của Mỹ hiện nay là chuyển đến nhiều hơn tại khu vực này như lời tư lệnh Carlisle nói.

Mặc dù các căn cứ của PACAF ở Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có vị trí quan trọng nhưng đây cũng sẽ là những điểm hỗ trợ cho sự tham gia của PACAF ở phía Nam và phía Tây khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trên cơ sở cấu trúc không lực hiện có, PACAF sẽ triển khai lực lượng một cách linh hoạt hơn so với trước đây. Cụ thể, trong tháng 9.2013, bà Heidi H. Grant, Thứ trưởng Không quân Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế đã đến thăm 7 trong 10 nước thuộc ASEAN trong 2 năm trước đó. Trong 5 năm qua, Tư lệnh Carlisle cũng đã đến thăm một số quốc gia của ASEAN như Thái Lan và Philippines. Các chuyến thăm đã tăng cường hợp tác giữa PACAF và các nước.

Ngoài ra, một đồng minh quan trong của Mỹ là Australia, cũng được PACAF tăng cường sự hiện diện. Tới năm 2015, PACAF sẽ triển khai các chuyến bay thường xuyên của máy bay chiến thuật tại đảo Darwin. Đồng thời PACAF sẽ triển khai chiến đấu cơ F-16 từ Eielson AFB, Alaska đến Australia để cùng tham gia đào tạo với chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet.

Các quan chức PACAF còn dự báo, năm tài khóa 2016, việc tái cấu trúc quân đội để mở rộng các chuyến bay ở châu Á-Thái Bình Dương có khả năng lớn sẽ là lựa chọn của Mỹ. Bằng những chiến lược này, Airforce Magazine đánh giá, Mỹ sẽ cùng với các đồng minh triển khai không lực khắp châu Á-Thái Bình Dương.