Một trong những chiến dịch giải cứu con tin thành công nhất trong lịch sử diễn ra vào ngày 4/7/1976, khi đặc nhiệm Israel tràn vào sân bay Entebbe ở Uganda để giải cứu hàng chục con tin bị một nhóm vũ trang Palestine giam giữ ở đó.
Những yếu tố tối quan trọng làm nên thành công của chiến dịch giải cứu con tin này lại không xuất hiện trong cuộc đột kích táo bạo của đặc nhiệm Mỹ, lực lượng đặc nhiệm được coi là tinh nhuệ nhất thế giới, vào một ngôi làng ở Yemen để giải cứu nhà báo Luke Sumers hôm thứ Bảy vừa rồi.
Hình minh họa đặc nhiệm Israel đột kích vào sân bay Entebbe cứu con tin
Chiến dịch tấn công năm 1976 của đặc nhiệm Israel được chỉ huy bởi Jonathan Netanyahu (anh trai của đương kim Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu), một sĩ quan quân đội tài năng và cẩn trọng, người để ý tới những chi tiết nhỏ nhất của chiến dịch mà ông chỉ huy.
Tại thời điểm diễn ra cuộc giải cứu ở Entebbe, không ai có thể nghĩ rằng đặc nhiệm Israel lại có thể bay suốt hơn 7 giờ đồng hồ từ Israel tới Uganda để thực hiện chiến dịch tấn công đầy táo bạo này, và điều đó làm nên yếu tố bất ngờ cho chiến dịch.
Để tăng thêm phần bất ngờ, tất cả các đặc nhiệm Israel sau khi đáp xuống khu vực tập kết đều mặc quân phục của quân đội Uganda, và chỉ huy đội đặc nhiệm thậm chí còn đi những chiếc Mercedes giống như các viên tướng Uganda vẫn thường sử dụng.
Cuộc giải cứu con tin chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng vài phút, với tổng cộng 102 con tin được giải thoát an toàn. Mặc dù 7 tên khủng bố, hàng chục lính Uganda cùng 3 con tin thiệt mạng và đội trưởng Netanyahu bị thương trong vụ tấn công, nhưng đây vẫn được coi là một chiến dịch giải cứu thành công ngoài mong đợi.
Đô đốc Mỹ Bill McRaven, chỉ huy chiến dịch đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011 đã viết một cuốn sách được coi là “kinh thánh” của lực lượng đặc nhiệm, chỉ ra những yếu tố quyết định thành bại của một chiến dịch giải cứu con tin là tốc độ, mục đích và bất ngờ.
Về tốc độ, đô đốc McRaven chỉ ra rằng lực lượng đặc nhiệm phải tạo được “ưu thế tương đối” trước đối phương trong những giây phút đầu tiên của cuộc tấn công, và toàn bộ cuộc đột kích cần phải được thực hiện trong vỏn vẹn 30 phút.
Đặc nhiệm Mỹ đã đánh mất yếu tố quan trọng nhất trong chiến dịch giải cứu nhà báo Luke Somers
Về mục đích, mọi đặc nhiệm tham gia vào chiến dịch phải hiểu rõ mục đích của chiến dịch giải cứu. Một chiến dịch giải cứu con tin hoàn toàn khác về bản chất so với chiến dịch đột kích tiêu diệt một tên trùm khủng bố.
Về yếu tố bất ngờ, đặc nhiệm buộc phải khiến đối phương hoàn toàn không kịp trở tay trong chiến dịch đột kích của mình để đảm bảo an toàn cho các con tin.
Điều đáng buồn là chiến dịch giải cứu của đặc nhiệm SEAL 6 Mỹ và biệt kích Yemen diễn ra khuya ngày thứ Bảy tuần trước lại thiếu yếu tố “bất ngờ” tối quan trọng, bởi họ đã thực hiện một cuộc đột kích bất thành tương tự cách đó hai tuần.
Nhà báo Mỹ Luke Somers bị phiến quân al Qaeda giam giữ trong một khu căn cứ ở khu vực nông thôn hẻo lánh Yemen, và việc đặc nhiệm Mỹ giữ được bí mật, bất ngờ tại một địa hình như thế này là vô cùng khó khăn.
Theo một số nguồn tin, khi đặc nhiệm Mỹ cách mục tiêu khoảng 100 mét, tiếng cho sủa rộ lên khiến phiến quân phát hiện ra tung tích của họ và nổ súng. Một nguồn tin khác thì nói rằng một phiến quân trong khi đi vệ sinh đã phát hiện lính Mỹ đang áp sát nên đã báo động cho đồng bọn.
Nhà báo Luke Somers thiệt mạng khi cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ bị phiến quân phát hiện
Yếu tố bất ngờ đã mất, đặc nhiệm Mỹ bắt buộc phải đấu súng với phiến quân. Trong khi đó, hai con tin Somers và giáo viên người Nam Phi Korkie bị lôi vào một tòa nhà gần đó, và phiến quân đã bắn vào người họ khi cảm thấy không còn đường thoát.
Trong một chiến dịch giải cứu tương tự diễn ra vào tháng 10/2010, con tin người Anh Linda Norgrove cũng đã thiệt mạng khi đặc nhiệm Mỹ đánh mất yếu tố bất ngờ trong chiến dịch đột kích vào căn cứ của phiến quân Taliban.