Dân Việt

Vì sao súng “hàng khủng” Iraq bất lực trước cuộc không kích của Mỹ?

Văn Biên (tổng hợp) 10/08/2014 12:16 GMT+7
Truyền thông Mỹ ngày 9.8 cho hay, các đợt không kích mới đây của quân đội Mỹ vào Iraq phá hủy được cơ số cơ sở và thiết bị vũ khí, quân sự của phiến quân lực lượng ISIL. Vậy tại sao đợt không kích này có thể vượt qua được các vũ khí phòng không của phiến quân ISIL và đạt được kết quả nhanh như vậy?

Theo bài phân tích về thế mạnh và điểm yếu của phiến quân ISIL trong cuộc đụng độ vũ trang với quân đội Mỹ ở Iraq, tờ Medium.com ngày 8.8 cho biết, vũ khí chủ lực để chống lại máy bay của ISIL là loại súng máy hạng nặng DShk và vào phòng đôi ZU-23-2.

Trong đó DShk là loại đại liên với khối lượng 34 kg, dài 1.625 mm, cỡ nòng 12,7 mm, nạp đạn theo dây 50 viên, tốc độ bắn 600 viên/phút, vận tốc bắn 850 m/s, tầm bắn hiệu quả 1000 m và tầm bắn tối đa đến 2000 m. Đây vốn là loại vũ khí dùng trong tác chiến mặt đất và phòng không do Liên Xô sản xuất.

Trước đó tờ Americancontractor.com (22.1.2014) cho biết, lực lượng ISIL vận chuyển quân lính trên những chiếc xe Toyota mang theo súng AK-47, súng máy hạng nhẹ PK và đặc biệt là súng máy hạng nặng DShk 12.7 mm ở tỉnh Anbar, Iraq.

img

Lực lượng phiến quân Iraq đang di chuyển  cùng rất nhiều vũ khí lợi hại ở Anbar.

Còn pháo phòng không ZU-23-2 Sergey, còn được biết đến với tên ZU-23, cũng là một loại vũ khí được Liên Xô sản xuất, có nòng đôi 23 mm, dài 4.57 m, cao 1.22 m, nặng 0,95 tấn, tầm bắn hiệu quả 2-2,5 km.

Theo Medium.com, đây là hai vũ khí từng được lực lượng phiến quân ở Iraq sử dụng để bắn hạ hiệu quả các trực thăng chiến. Tuy nhiên, Medium.com cho rằng, súng máy hạng nặng DShk và pháo phòng không ZU-23 lại tỏ ra yếu thế trước các đợt không kích của F/A-18. Vì đây là loại chiến đấu cơ ném bom có tốc độ bay nhanh và tầm bay tác chiến cao.

Ngoài ra, Medium.com cho rằng, đợt không kích tấn công của Mỹ vào lực lượng phiến quân của Iraq lần này có được kết quả ngay từ lần đầu xuất kích còn do Mỹ có rất nhiều lợi thế ở phía bắc Iraq chứ không như đợt tham chiến ở Syria. Hiện có hơn 700 cố vấn quân sự Mỹ làm việc tại đây từ tháng 6 có nhiệm vụ cố vấn cho các lực lượng quân đội của Iraq.

Hơn nữa các chiến đấu cơ cùng các máy bay không người lái của Mỹ tham gia không kích đều được trang bị các bộ phận cảm biến có độ bao phủ rộng, cho phép các cố vấn quân sự cùng các phi hành đoàn tham chiến có thể xử lý các công việc và phối hợp với lực lượng quân đội Iraq ở địa phương để lên danh sách mục tiêu một cách chính xác trước khi và trong khi không kích.

Theo hãng tin AP cho hay, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, chiến dịch tấn công vào lực lượng phiến quân ở Iraq của Mỹ lần này được xem là một chiến dịch “sẽ tiếp diễn lâu dài”. Phía quân đội Mỹ cũng thông tin, tính đến ngày 9.9, không lực Mỹ đã tiến hành không kích được 3 vòng vào các cứ điểm quân sự của phiến quân.