Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vũ, người phát ngôn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết từ đầu năm đến nay Khoa Hồi sức tích cực và chống độc tiếp nhận khoảng 50 trường hợp bị rắn độc cắn. Nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì rối loạn đông máu, hạ tiểu cầu, xuất huyết, sưng, phù nề nhưng đơn vị cấp cứu kịp thời, không ai tử vong.
Trên 90% trường hợp bị rắn lục cắn
Theo người dân, miền Tây đang vào mùa mưa, nước ngoài đồng dâng cao khiến rắn bò vào những khu vườn trong các khu dân cư hoặc chui hẳn vào nhà. Không ít trường hợp rắn độc đến tận giường ngủ cắn người giữa đêm khuya.
Ông Nguyễn Văn Hơn ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết hai tháng nay ông với hàng xóm đã đập chết nhiều rắn lục đuôi đỏ khi làm vườn. Nhiều trường hợp bất cẩn đã bị rắn cắn khiến vợ chồng cùng nhập viện.
"Bản thân tôi cũng bị rắn lục cắn khi tưới cam. Sau khi đập chết rắn lục vừa cắn vào chân, tôi định tìm thầy lấy nọc nhưng hàng xóm khuyên đến bệnh viện cấp cứu sẽ tốt hơn", ông Hơn kể và cho biết thời gian gần đây có nhiều tin đồn thất thiệt rằng rắn lục xuất hiện nhiều là do người nước ngoài thả sang Việt Nam khiến xóm làng bất an.
>> Rắn cụt đầu vẫn cắn người: ma thuật hay sự thật gì?
Bên kia xã Long Bình, tuần trước, bà Dương Thị Đào ở ấp Bình Hiếu bị rắn độc cắn khi đang lấy củi trong bếp. Lúc đầu, bà tưởng đó là rết nhưng khi soi đèn lại phát hiện rắn lục. Còn bé Thủy ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành (Hậu Giang) bị rắn lục cắn vào môi khi đang ngủ cùng cha mẹ. Khi nhập viện bé bị sưng môi kéo dài xuống cằm, nhịp tim tăng, khó thở. Nhờ gia đình đập chết con rắn lục đuôi đỏ mang theo, bác sĩ cho dùng ngay huyết thanh kháng nọc độc rắn này và bé được cứu sống.
Không riêng gì Hậu Giang, rắn lục cũng xuất hiện nhiều ở TP.Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long… Bà Trương Huỳnh Tần ở phường An Bình, TP.Cần Thơ cho biết vài tháng trước khi đang nhổ sả sau nhà đã bị "con gì đó" cắn vào tay đau điếng. Nghe cụ bà 85 tuổi này gọi, con cháu chạy ra phát hiện rắn lục đuôi đỏ liền đưa nạn nhân vào Bệnh viện Quân y 121 điều trị. Còn anh Dương Thanh Vũ ở xã Phong Nẫm ở huyện Kế Sách cũng suýt mất mạng vì bị rắn lục cắn khi chặt cây ven mé ao.
>> Mãng xà cắn người khiến nạn nhân "cải lão hoàn đồng" khổ sở
"Bệnh viện thống kê có trên 90% nạn nhân của rắn độc là do rắn lục cắn. Từ tháng 7 đến nay số ca bị loài rắn này cắn tăng hơn các tháng đầu năm với 10 trường hợp nguy kịch", bác sĩ Vũ nói.
Tại Bệnh viện đa khoa Hậu Giang, hơn một tháng nay có 21 ca nhập viện vì rắn cắn. Bác sĩ cho biết con số này tăng đột biến và gần bằng cả 6 tháng trước.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang - cho biết rắn lục hay xuất hiện ở tỉnh này là rắn lục mép trắng, sinh sống phổ biến ở Việt Nam, trong đó có Hậu Giang. Theo ông Phúc, đây là loài rắn độc, khi cắn người sẽ gây sưng, phù nề có thể dẫn đến hoại tử và ông chưa nghe báo có trường hợp nào tử vong.
"Để hạn chế rắn cắn khi làm vườn bà con nên mang ủng, bao tay. Trường hợp không may thì dùng garo phía trên vết thương 10 cm rồi nhanh chóng vào bệnh viện chữa trị", người đứng đầu ngành kiểm lâm Hậu Giang khuyến cáo.
"Sống chung" trong môi trường toàn rắn
Không chỉ rắn lục mà người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn “sống chung” với các loài rắn khác như hổ hành, hổ ngựa, hổ mang, ri voi… Trong đó các loại rắn không nọc độc như hổ hành, ri voi được nhiều người nuôi trong chuồng cạnh nhà để phục vụ mục đích thương mại. Với rắn hổ mang có nọc cực độc, không ít quán nhậu mua về nhốt bán cho các đại gia.
Nửa năm trước, rạng sáng 5/2, vợ của của một người đàn ông 52 tuổi chuyên nhậu thịt rắn ở phường 4, TP.Vĩnh Long (Vĩnh Long) nhận được điện thoại của chồng. Bên đầu dây bên kia ông Đ. nói giọng yếu ớt rằng đã bị rắn cắn rồi tắt máy. Nhiều lần gọi lại không được, người vợ định vị phát hiện tín hiệu cho biết ông Đ. đang ở trong một nhà nghỉ ở quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.
>> Tại sao Hổ mang chúa đua nhau chiếm nhà dân?
Công an địa phương hỗ trợ tìm kiếm, khi cửa phòng được mở thì mọi người phát hiện ông Đ. đã chết vì bị rắn cắn. Khám nghiệm hiện trường cảnh sát phát hiện một con rắn hổ đất hung tợn, dài hơn 1 m, nặng 0,5 kg quấn dưới chân bàn phòng nghỉ.
Mộ bà Lẻn, nạn nhân bị rắn độc cắn chết ở Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Ảnh: Zing
Qua tìm hiểu của nhà chức trách, một ngày trước khi thiệt mạng ông Đ. đi Phụng Hiệp (Hậu Giang) đòi nợ. Chiều về đến Cần Thơ ông Đ. thuê nhà nghỉ và hành lý mang theo là con rắn hổ đất bỏ trong túi lưới. Bạn nạn nhân cho biết ông Đ. rất thích ăn thịt rắn, nhất là rắn độc.
Tại Sóc Trăng, dù đã 4 năm trôi qua nhưng người dân xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung vẫn không quên chuyện rắn độc liên tiếp tấn công người khiến 3 nạn nhân mất mạng. Đầu tiên là Trần Ngọc Diễm Thúy bị rắn cắn vào bắp chân khi đang chặt bập dừa nước ven sông Hậu. Về đến nhà Thúy vẫn còn tỉnh táo, được mẹ là bà Trương Thị Nước lấy vải nịt lại rồi đưa đi tìm thầy chữa trị nhưng không qua khỏi.
Cùng xóm với Thúy có chị Nguyễn Thị Tuyền đi đốn mía thuê cũng bị rắn cắn chảy nhiều máu. Nghi gặp phải rắn độc, gia đình nạn nhân dùng ghe vượt cửa biển sang Định An (Trà Vinh) tìm nơi “đổ thuốc” nhưng nạn nhân chết giữa đường.
Người thứ ba bị nạn ở vùng đất cù lao này chỉ trong 4 tháng đầu năm 2010 là bà Trần Thị Lẻn ở chợ Vàm Hồ. Gia đình cho biết nạn nhân bị rắn từ trong bụi chuối bò ra cắn rồi nhảy xuống mương trốn mất khi bà Lẻn đang hái rau má sau vườn.
"Chồng chị ấy nghe vợ kêu cứu đã lấy xe chở vào bệnh viện nhưng không kịp. Vùng này khi triều cường dâng cao thì rắn chạy lên gò có đông dân cư tìm chỗ sinh sống. Đây là nguyên nhân bà con hay bị rắn cắn khi làm vườn, đốn mía", hàng xóm bà Lẻn nói.
>> Cả làng săn lùng, đánh chết con rắn khổng lồ dài 7m
Qua những trường hợp đó cho thấy, đa phần các vụ rắn tấn công người ở miền Tây do đặc điểm tự nhiên ở đây thích hợp cho loài rắn sinh sôi phát triển. Đồng thời việc chưa chú trọng tới các biện pháp vệ sinh môi trường quang đãng cũng như phòng tránh nguy cơ rắn cắn cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng rắn cắn người diễn ra nhiều ở đây chứ không phải do ai đó cố tình thả sang Việt Nam.