Theo tờ báo The Diplomat (9.12) tiết lộ, dựa trên sáng kiến được đưa ra trong Cuộc đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung vào tháng 7.2014, Trung Quốc đã chính thức yêu cầu Bộ chỉ huy Không gian thuộc Không quân Mỹ chia sẻ thông tin với Bắc Kinh. Trung Quốc hy vọng điều đó có thể giúp ngăn chặn sự va chạm của các vệ tinh cũng như các mảnh vỡ vệ tinh trong không gian.
Bộ chỉ huy Không gian Mỹ sẽ chia sẻ trực tiếp dữ liệu không gian cho Trung Quốc. Ảnh minh họa
Có nguồn tin cho rằng, trước đây phía Mỹ từng chia sẻ thông tin này đối với Trung Quốc, nhưng thông qua kênh là Bộ Ngoại giao. Lần này, đáp lại yêu cầu của phía Trung Quốc, Bộ chỉ huy Không gian Mỹ sẽ truyền tải trực tiếp cho cơ quan vũ trụ quốc gia của Trung Quốc.
>> Mỹ sắp bị Trung Quốc “soán ngôi” trong cuộc đua không lực?
“Trung Quốc đã đề nghị có được dữ liệu trực tiếp từ những hoạt động của trung tâm chúng tôi cho trung tâm hoạt động của họ mà không thông qua Nhà nước”, Tướng John Hyten, người đứng đầu Bộ chỉ huy Không gian Mỹ, nói.
Theo đó, bên Mỹ sẽ cung cấp thông tin liên lạc qua thư điện tử cho các đơn vị có trách nhiệm của Trung Quốc để cùng kết hợp đánh giá, và đồng thời cho phép các đơn vị này nhận được cách tiếp cận gần như trực tiếp từ phía Bộ quốc phòng của Mỹ.
>> Mỹ phóng vệ tinh do thám để "soi" Trung Quốc
Tuy nhiên, động thái trên lại diễn ra vào chính thời điểm cả Mỹ và Trung Quốc được cho là đang có những bước đi tăng cường cạnh tranh với nhau về lĩnh vực chinh phục không gian. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mới đây đã tạo ra một chi nhánh thứ năm chuyên trách về các hoạt động không gian.
Trong khi đó, giới phân tích dự báo rằng, sự cạnh tranh trong lĩnh vực không gian giữa 2 nước có thể sẽ gia tăng thêm, khi một số nhà quan sát của Mỹ bày tỏ hoài nghi về khả năng Trung Quốc có thể đang triển khai những chương trình chống vệ tinh.
Mỹ và Trung Quốc vừa hợp tác vừa cạnh tranh trong lĩnh vực không gian. Ảnh minh họa
Mặc dù vậy, việc chia sẽ dữ liệu không gian giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là có ý nghĩa lớn khi sử dụng để ngăn chặn các vụ tai nạn trong không gian. Động thái này cũng có thể là một bước đi trong việc phát triển đa dạng mối quan hệ dân sự và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo thống kê của Ucsusa, đến hết tháng 7.2014, hiện Mỹ là nước đứng đầu về số các vệ tinh đang hoạt động trong không gian. Cụ thể là Mỹ có 18 vệ tinh dân sự, 214 vệ tinh thương mại, 121 vệ tinh của chính phủ và 159 vệ tinh quân sự. Trong khi đó đứng thứ hai là Nga với 135 vệ tinh, Trung Quốc là nước có số vệ tinh nhiều thứ ba với 116 vệ tinh.