Dân Việt

Chàng Danh Bên 30 năm với kiến trúc Khmer

Hoàng Hạnh - Thạch Thanh 10/12/2014 09:20 GMT+7
Với đôi bàn tay điêu khắc khéo léo của mình, Nghệ nhân Danh Bên, ở khóm 1, phường 2, TP.Cà Mau đã thổi hồn vào những công trình kiến trúc nghệ thuật, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn Khmer Nam Bộ.

Sinh ra trong một gia đình nông dân người dân tộc Khmer ở xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Danh Bên có thời gian theo phụ việc cho Nghệ nhân Danh Đức. Thấy anh mê nghề, nghệ nhân đã nhận truyền dạy nghề điêu khắc, hội họa, cùng với năng khiếu bẩm sinh, tay nghề điêu khắc và hội họa của Danh Bên tiến bộ rất nhanh.

Từ năm 1982, tham gia cùng Đoàn nghệ thuật Samaky tỉnh Minh Hải, sang Campuchia để tham quan, học hỏi thiết kế phục trang cho diễn viên, hoa văn, cảnh trí trên sân khấu. Tại đây, Danh Bên đã thiết kế hoa văn chánh điện cho chùa Phanhi Mé, Chăm Pa, tỉnh Tà Keo và chùa Prirum Đên, tỉnh Kalđan nước bạn, được Ban trị sự các chùa này đánh giá rất cao.

img
Nghệ nhân Danh Bên bên một tác phẩm điêu khắc của mình. (Ảnh: THẠCH THANH)

Sau 5 năm “trổ tài” trên đất Campuchia, tiếng tăm của Nghệ nhân Danh Bên được nhiều người biết đến, ông nhận được nhiều lời mời điêu khắc hoa văn cho nhiều chùa Khmer tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Những tác phẩm điêu khắc và hoa văn trên trang phục diễn viên do ông tạo nên luôn mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Khmer Nam Bộ.

Đến nay, với 48 tuổi đời, Danh Bên đã có hơn 30 năm đeo đuổi nghiệp hội họa, điêu khắc. Mới đây, ông nhận trang trí, thiết kế hoa văn cho chùa Piturăngxây quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ); chùa Colđôn huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) và một số công trình hoa văn tại các chùa Khmer tỉnh Cà Mau.

Đại đức Thạch Phan - Thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau nói: “Ngoài việc đam mê, tâm huyết sáng tạo các hoa văn kiến trúc chuyên nghiệp, Nghệ nhân Danh Bên còn truyền đạt nghề cho nhiều người yêu thích hội họa, đam mê nghệ thuật, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer”.