Dân Việt

Cõng vốn đến hộ nghèo

Kiều Thiện 10/12/2014 08:44 GMT+7
“Từ khi lập huyện Vân Hồ (Sơn La) tới nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Hồ luôn là điểm tựa lớn cho nông dân nghèo ở địa phương. Số hộ được vay ngày càng tăng lên, diện cho vay mở rộng hơn” - bà Đinh Thị Xoa - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ) chia sẻ.

Nhu cầu vay vốn cao

Vân Hồ là huyện mới thành lập năm 2013 với phần lớn các xã đặc biệt khó khăn của huyện Mộc Châu chuyển sang, nên hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng CHXH huyện Vân Hồ cũng gặp không ít khó khăn. “Tuy vậy, chúng tôi xác định phải vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của hệ thống ngân hàng cấp trên và nhân dân các dân tộc trong huyện”- ông Phạm Viết Hải - Giám đốc Phòng giao dịch huyện trao đổi với phóng viên NTNN.

img

Nguồn vốn ngân hàng đã giúp bà con dân tộc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và nước sạch.


Nói đến Vân Hồ người ta nghĩ ngay tới những địa bàn giao thông cách trở, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ nghèo cao như: Mường Men, Tô Múa, Suối Bàng, Song Khủa, Liên Hòa, Xuân Nha… Vì vậy, nhu cầu được vay vốn ưu đãi của người dân sở tại rất cao, nhưng khả năng xảy ra nợ xấu, nợ đọng cũng không nhỏ.

 

Quan điểm

Ông Mùa Văn Hiếu • Phó Chủ tịch Hội ND xã Lóng Luông
 Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện đến làm việc với xã, với dân mà như làm việc của nhà mình. Họ không chỉ lo vốn cho dân mà còn làm cả khuyến nông khi cần thiết nữa. Nhờ thế, nông dân vay vốn bớt được nhiều khó khăn. 
Bà Đinh Thị Xoa tâm sự: Dân càng nghèo thì càng cần vay vốn, nhưng vốn vay cho người nghèo phải đạt mấy yếu tố: Thông thoáng trong thủ tục, không cần thế chấp, lãi suất thấp và thời hạn vay dài. Vì thế trước khi lập huyện mới này, ngoài lượng vốn cho vay còn hạn hẹp của Ngân hàng CSXH Mộc Châu, chúng tôi phải dựa rất nhiều vào Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu, bởi cơ chế cho vay của quỹ thông thoáng hơn các ngân hàng thương mại khác. Từ khi lập huyện Vân Hồ tới nay, số hộ được vay ngày càng tăng lên, diện cho vay mở rộng hơn và thời gian vay cũng khá hơn. Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp rất tốt với chính quyền, tổ chức Hội ND để rà soát đối tượng cho vay, hướng dẫn làm thủ tục, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả… đúng với quy định của ngân hàng.

 

Cõng vốn vượt núi

Về dư nợ vốn vay, ông Hải cho biết thêm: Tính đến đầu tháng 11.2014, doanh số cho vay của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH chi nhánh Vân Hồ đã đạt hơn 57 tỷ đồng với số hộ được vay vốn là 2.620 hộ, thuộc 10 diện hộ được vay, trong đó có hộ nghèo, học sinh - sinh viên, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… Tại nhiều địa bàn khó khăn khác, chúng tôi đang triển khai nhiệm vụ một cách quyết liệt. Con số ước thực hiện đến cuối năm 2014 của Phòng giao dịch sẽ đạt gần 156 tỷ đồng, tăng so với năm 2013 hơn 30,6 tỷ đồng.

Nhìn cơ sở vật chất còn chật hẹp của Phòng giao dịch huyện Vân Hồ với số lượng cán bộ nhân viên chỉ có 9 người, lại nghĩ tới những cung đường xa xôi 60-70km, dày đặc sương mù, đèo cao, dốc đứng, chúng tôi thấy cảm phục trước sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ Ngân hàng CSXH nơi huyện mới vùng cao này.